Giá dầu thế giới phiên 31/10 giảm nhẹ do Mỹ có thể tăng sản lượng

Giá dầu thế giới giảm phiên 31/10 do đồn đoán sản lượng của Mỹ có thể tăng và việc nới rộng quy định về COVID-19 đè nặng lên nhu cầu; giá dầu Brent biển Bắc giảm 94 xu Mỹ, xuống 94,83 USD/thùng.
Giá dầu thế giới phiên 31/10 giảm nhẹ do Mỹ có thể tăng sản lượng ảnh 1Nhà máy lọc dầu ở Houston, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm phiên ngày 31/10 do đồn đoán sản lượng của Mỹ có thể tăng và việc nới rộng quy định về COVID-19 của nước này đã đè nặng lên nhu cầu.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 94 xu Mỹ, tương đương 0,98%, xuống 94,83 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,37 USD xuống 86,53 USD/thùng, mất 1,6%. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2022.

Số liệu của chính phủ cho thấy sản lượng dầu tại Mỹ đã tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022, mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty dầu và khí đốt đầu tư một số khoản lợi nhuận kỷ lục của họ để giảm chi phí cho các hộ gia đình Mỹ.

Quan chức này cho biết ông Biden sẽ kêu gọi Quốc hội xem xét yêu cầu các công ty khai thác dầu phải trả các khoản phạt thuế và đối mặt với các hạn chế khác.

[Giá dầu thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần]

Trước đó, Tổng thống Biden đã thúc đẩy các công ty dầu mỏ tăng sản lượng thay vì sử dụng lợi nhuận để mua lại cổ phiếu và cổ tức.

Chính phủ cũng đã dựa vào việc giải phóng nguồn cung từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung. Khoảng 1,9 triệu thùng dầu đã được giải phóng khỏi SPR trong tuần trước như một phần trong kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng của chính phủ.

Một cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng rơi vào suy thoái, khi hoạt động kinh doanh trong tháng 10/2022 giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm.

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang thúc đẩy kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất, ngay cả khi điều đó đẩy khối này vào suy thoái và gây bất ổn chính trị.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 31/10 đã nâng dự báo về nhu cầu dầu trong trung và dài hạn, và cho biết cần phải đầu tư 12.100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu này bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục