Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trong phiên 18/1 trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan đến các nước sản xuất dầu lớn Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga có thể làm trầm trọng thêm triển vọng nguồn cung vốn đã eo hẹp.
Rủi ro trên đã đẩy giá dầu đi lên trong suốt phiên giao dịch. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,03 USD (1,2%) lên 87,51 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,61 USD (1,9%) lên 85,43 USD/thùng.
Giá hai dầu chủ chốt này đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, và một số nguồn tin của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết giá dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian tới.
[OPEC: Nhu cầu dầu tăng mạnh sẽ lấn át mối đe dọa Omicron]
Những lo ngại về vấn đề nguồn cung đã gia tăng trong tuần này sau diễn biến tại Yemen và UAE.
Nhà phân tích thị trường dầu cấp cao Louise Dickson của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết ảnh hưởng của diễn biến trên đối với các cơ sở khai thác dầu của UAE ở Abu Dhabi không đáng kể, nhưng nó làm dấy lên nghi ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung trong khu vực trong năm 2022.
Nhà phân tích Louise Dickson nói thêm rằng diễn biến trên làm gia tăng rủi ro địa chính trị trong khu vực và có thể báo hiệu nguy cơ đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân Iran-Mỹ trong tương lai gần.
Điều này đồng nghĩa với việc những thùng dầu của Iran sẽ “bốc hơi” khỏi thị trường, đẩy nhu cầu về loại dầu tương tự tại các nước khác lên cao.
Trước lo ngại này, công ty dầu khí ADNOC của UAE thông báo đã kích hoạt các kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn cho các khách hàng địa phương và quốc tế sau sự cố tại kho nhiên liệu Mussafah.
Trong khi đó, các thành viên trong và ngoài OPEC, hay còn gọi là OPEC+, vẫn đang phải nỗ lực tăng công suất theo như thỏa thuận.
Ngày 18/1, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trên thế giới trong năm 2022 bất chấp sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và động thái tăng lãi suất ở một số nước lớn.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán lượng dầu tại các kho dự trữ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa Hè 2022 và giá dầu Brent tăng lên 100 USD/thùng vào cuối năm nay./.