Ngày 3/12, giá dầu tăng hơn 5% sau khi Nga và Saudi Arabia gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu mỏ trong khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, vốn được cho là có tác động mạnh tới nhu cầu thị trường, tạm hạ nhiệt.
Trước đó, ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng khai thác dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm mạnh.
Thỏa thuận ràng buộc các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia nằm ngoài giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Tuy không có chi tiết cụ thể về khối lượng dầu mỏ cắt giảm và trong vòng bao lâu nhưng thỏa thuận giữa hai nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã động viên tinh thần của các nhà đầu tư, giúp giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,82 USD lên mức 53,75USD trong khi giá dầu ngọt nhẹ giao ngay cũng tăng 2,98 USD lên 62,44 USD.
Cả hai mức giá trên đều đã giảm khoảng 30%, sau khi tăng lên mốc cao nhất trong vòng bốn năm hồi đầu tháng 10 vừa qua (86,74 USD/thùng dầu Brent), do tác động của các yếu tố như nhu cầu giảm, sản lượng tăng, các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ nhẹ tay hơn dự đoán và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Chuyên gia phân tích thị trường thuộc công ty chứng khoán Kiwoon Ahn Yea Ha cho rằng dù chưa có thông tin chính xác về khối lượng dầu mỏ sẽ được cắt giảm, nhưng tuyên bố của Tổng thống Putin đã góp phần xóa bỏ một trở ngại quan trọng với nỗ lực bình ổn giá dầu của OPEC bởi Nga thường không hay đưa ra quan điểm rõ ràng trong vấn đề này.
Một nguyên nhân chính khác khiến giá dầu giảm trong thời gian qua là tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khi các bên trả đũa lẫn nhau bằng việc áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ đối tác, thôi bùng lên lo ngại về những tác động trên phạm vi toàn cầu.
[Nga, Saudi Arabia nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu]
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12 tuyên bố đạt thỏa thuận trong đó Mỹ sẽ ngừng tăng thế với hàng hóa Trung Quốc từ tháng 1/2019, đổi lại Trung Quốc cam kết nhập thêm hàng hóa từ Mỹ và tham gia đàm phán kéo dài 90 ngày để tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương.
Hiện giới đầu tư đều trông đợi cuộc họp sắp tới giữa OPEC và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ quan trọng ngoài khối tại Vienne (Áo) cuối tuần này. Tại đây, các bên sẽ ra thông báo chính thức về kế hoạch cắt giảm sản lượng. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán sản lượng khai thác có thể giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày nhưng một số khác lại cho rằng khoảng độ này là không đủ để kiềm chế đà giảm giá hiện tại.
Chuyên gia Stephen Innes, trưởng bộ phận tư vấn thương mại châu Á- Thái Bình Dương của OANDA cho rằng đây sẽ là tuần lễ quan trọng không chỉ với thị trường dầu mỏ nói riêng mà với cả thị trường huy động vốn nói chung.
Bầu không khí sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuy có tích cực hơn mong đợi nhưng vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa vì vậy trong tháng 12 này ngoài cuộc bỏ phiếu tại Anh về thỏa thuận Brexit thì cuộc họp của OPEC cũng được coi là một sự kiện có tác động quan trọng./.