Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 15/7, khi những lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc đã lấn át những tin tức tích cực về kinh tế Mỹ, tình hình hạn chế nguồn cung của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng như căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 18 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 84,85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 30 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống 81,91 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết dữ liệu của Trung Quốc, bao gồm sản lượng lọc dầu và nhập khẩu dầu thô, không khả quan, nhưng tăng trưởng nhu cầu ở những nơi khác vẫn còn mạnh mẽ.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm 3,7% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm trước, giảm tháng thứ ba liên tiếp do hoạt động bảo trì, trong khi biên lợi nhuận của hoạt động chế biến dầu thấp và nhu cầu nhiên liệu yếu đã khiến các nhà máy cắt giảm sản lượng.
Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết các chỉ số lạm phát quý 2 làm tăng niềm tin rằng rằng tốc độ tăng giá đang quay trở lại mức mục tiêu của Fed một cách ổn định. Bình luận này cho thấy khả năng Fed cắt giảm lãi suất có thể không còn xa. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy thị trường đang dự đoán khả năng Fed cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Chín là 94,4%.
Tại Trung Đông, giới phân tích cho biết căng thẳng địa chính trị tiếp tục hỗ trợ giá dầu, mặc dù tình trạng dư thừa công suất lớn của Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC đã hạn chế đà tăng giá./.
Dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ giảm mạnh khiến giá dầu thế giới đi lên
Chốt phiên, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 42 xu (0,5%) lên 85,08 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 69 xu (0,85%) lên 82,10 USD/thùng.