Theo Thời báo Tài chính (Anh) ngày 26/11, những hệ quả từ việc giá dầu giảm tới 30% kể từ tháng Sáu đến nay đang bắt đầu lan ra các lĩnh vực ngoài năng lượng như tiền tệ, ngân sách quốc gia và cổ phiếu của các công ty năng lượng, dấu hiệu cho thấy việc giá dầu lao dốc đang bắt đầu tác động lớn hơn đến nền kinh tế thế giới.
Giá dầu lao dốc tác động nghiêm trọng tới các nhà sản xuất dầu mỏ phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô để cân bằng ngân sách.
Đồng ruble của Nga đã mất 27% giá trị kể từ giữa tháng Sáu khi giá dầu thô bắt đầu giảm, trong khi đồng krone của Na Uy giảm 12% và đồng naira của Nigeria rơi xuống mức thấp kỷ lục trong ngày 26/11.
Các công ty năng lượng cũng bắt đầu bị ảnh hưởng, cổ phiếu của tập đoàn dầu khí BP của Anh giảm 17% kể từ giữa tháng Sáu và cổ phiếu của hãng Chevron giảm 11%.
Cổ phiếu của SeaDrill, một trong những chủ sở hữu giàn khoan lớn nhất thế giới giảm tới 18% trong ngày 26/11 và hãng này đã ngừng thanh toán cổ tức.
SeaDrill đang chịu tổn thất từ dư thừa nguồn cung giàn khoan do một số công ty lớn đối phó với giá dầu giảm bằng cách hủy các dự án.
Các ngân hàng cũng không ngoại lệ khi Barclays và Wells Fargo đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng vì các khoản cho vay liên quan lĩnh vực năng lượng.
Trong năm nay, hai ngân hàng này đã dẫn đầu một khoản "cho vay bắc cầu" trị giá 850 triệu USD để tài trợ cho việc sáp nhập hai công ty dầu có trụ sở ở Mỹ là Sabine Oil & Gas và Forest Oil.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã không quan tâm tới việc mua khoản cho vay này khi nó được đưa ra chào hồi tháng Sáu.
Việc giá dầu sụt giảm cộng với các thị trường tín dụng không ổn định trong những tháng sau đó càng khiến ý định bán khoản cho vay này thêm khó khăn./.