Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên đầu tiên của tháng 10/2020

Chuyên gia phân tích Tamas Varga thuộc PVM Oil cho rằng đại dịch COVID-19 hiện chưa được kiểm soát, tỷ lệ lây nhiễm tăng cao, số ca tử vong do đại dịch trên toàn cầu vượt mốc 1 triệu.
Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên đầu tiên của tháng 10/2020 ảnh 1Bể chứa dầu tại Carson, California, Mỹ, ngày 25/4/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 1/10, giá dầu thế giới giảm hơn 3% do số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao ảnh hưởng xấu đến triển vọng nhu cầu năng lượng và giá dầu mỏ còn chịu ảnh hưởng bởi sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng trong tháng Chín vừa qua.

Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao tháng 12/2020 tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 1,37 USD (3,2%) xuống 40,93 USD/thùng.

Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) cũng giảm 1,50 USD (3,7%) xuống 38,72 USD/thùng sau khi có lúc giảm hơn 6% xuống mức thấp nhất trong phiên này là 37,61 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích Tamas Varga thuộc PVM Oil cho rằng đại dịch COVID-19 hiện chưa được kiểm soát, tỷ lệ lây nhiễm tăng cao, số ca tử vong do đại dịch trên toàn cầu vượt mốc 1 triệu.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, hiện có hơn 7,2 triệu người mắc COVID-19 và hơn 206.000 ca tử vong.

[OPEC đối mặt với thời điểm vô cùng khó khăn trong lịch sử 60 năm]

Thành phố Madrid, "điểm nóng nhất" của châu Âu về COVID-19, sẽ tiến hành hoạt động phong tỏa trong những ngày tới, còn thị trưởng thành phố Moskva yêu cầu các nhà tuyển dụng cho phép ít nhất 30% lao động làm việc tại nhà, giữa lúc nhiều nước châu Âu thông báo số ca mắc COVID-19 mới tăng cao kỷ lục.

Chuyên gia của Standard Chartered dự báo nhu cầu tiêu thu nhiên liệu toàn cầu sẽ giảm xuống 9,03 triệu thùng/ngày trong năm 2020 và tăng trở lại 5,57 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy nguồn cung ứng dầu mỏ của OPEC tăng cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường, với sản lượng tháng 9/2020 của OPEC tăng 160.000 thùng/ngày so với tháng 8/2020.

Phần lớn nguồn cung dầu mỏ tăng của OPEC đến từ Libya và Iran, bởi hai nước thành viên được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh do Nga dẫn đầu.

Theo số liệu của IHS Markit Commodities at Sea, các thành viên OPEC đã xuất khẩu 18,2 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Chín, tăng 370.000 thùng/ngày so với tháng Tám, trong khi Saudi Arabia xuất khẩu trở lại mức 6,25 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục