Giá dầu thế giới giảm hơn 1% do chưa nhất trí về cắt giảm sản lượng

Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên ngày 10/6 do các nước sản xuất dầu chủ chốt là Saudi Arabia và Nga vẫn chưa nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Giá dầu thế giới giảm hơn 1% do chưa nhất trí về cắt giảm sản lượng ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở Fort McMurray, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên ngày 10/6, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đe dọa nhu cầu dầu và do các nước sản xuất dầu chủ chốt là Saudi Arabia và Nga vẫn chưa nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1 USD (1,6%) xuống 62,29 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 73 xu Mỹ (1,4%) xuống 53,26 USD/thùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng ông sẵn sàng áp thêm một đợt thuế trừng phạt mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông không đạt được một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tháng này tại Nhật Bản.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước này để ngỏ nhiều cuộc đàm phán thương mại với Washington, song không đưa ra thông báo về một cuộc gặp nào giữa hai bên.

Theo số liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này đã giảm xuống khoảng 40,23 triệu tấn trong tháng Năm, so với mức cao kỷ lục 43,73 triệu tấn trong tháng Tư.

Trong một lưu ý, Ngân hàng Barclays của Anh cho hay các chuyên gia kinh tế của họ đã điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, những nước "đóng góp" hơn 3/4 tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ được dự báo cho năm nay.

Về vấn đề nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho hay Nga là nước xuất khẩu dầu duy nhất vẫn chưa quyết định xem có cần gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.

[Nga không loại trừ khả năng giá dầu sẽ xuống dưới 40 USD mỗi thùng]

Đáp lại, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng vẫn còn rủi ro khi các nhà sản xuất dầu bơm quá nhiều và giá mặt hàng này giảm mạnh.

Ông Novak cũng cho biết ông không loại trừ khả năng giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng không được gia hạn. Các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, đã hạn chế nguồn cung từ đầu năm 2019 để đẩy giá dầu lên cao.

Thỏa thuận này dự kiến sẽ kết thúc trong tháng này. Nhiều nhà xuất khẩu dầu xác nhận rằng họ đã chuẩn bị tổ chức một cuộc họp chính sách với OPEC tại Vienna, Áo trong thời gian 2-4/7, thay vì ngày được dự kiến là cuối tháng này.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần trước, sản lượng dầu thô tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục tính theo tuần là 12,4 triệu thùng/ngày, còn lượng dầu tại các kho dự trữ leo lên gần mức cao của hai năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục