Giá dầu thế giới giảm hai tuần liên tiếp do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc

Chuyên gia cho rằng lo ngại ngày càng nhiều về nhu cầu của Trung Quốc đang gây sức ép lên thị trường, sau khi loạt số liệu được công bố đầu tuần này cho thấy triển vọng nhu cầu yếu đi.

Một trạm xăng tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một trạm xăng tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu thế giới chốt phiên 19/7 ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2024, khi những lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc khiến giá giảm tuần thứ hai liên tiếp.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8/2024 giảm 2,69 USD, hay 3,3%, xuống chốt phiên ở mức 80,13 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá loại dầu này giảm 2,5% trong tuần qua. Còn giá dầu WTI tại hợp đồng giao tháng 9/2024 giảm 2,66 USD, hay 3,3%, xuống 78,64 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2024 giảm 2,48 USD, hay 2,9%, xuống 82,63 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe. Giá dầu này giảm 2,8% trong cả tuần.

Theo Dow Jones Market Data, cả hai loại dầu chốt phiên cuối tuần ở mức thấp nhất kể từ ngày 14/6.

Trước đó, giá dầu biến động liên tục trong phiên 18/7, khi các nhà đầu tư phản ứng trước những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu, trong đó những lo ngại về kinh tế sụt giảm tại Mỹ đang mâu thuẫn với kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Còn tại phiên 17/7, giá dầu đã tăng khoảng 2% sau khi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/7.

Trước đó, giá dầu chốt phiên 16/7 giảm hơn 1%, đánh dấu phiên đi xuống thứ ba liên tiếp, do lo ngại nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu được kiềm chế phần nào nhờ sự đồng thuận ngày càng tăng rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Chín.

Theo Giám đốc quản lý tại Velandera Energy Partners, Manish Raj, các nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi liệu tình hình nhu cầu trong nửa cuối năm 2024 có đúng như các dự báo hay không.

Các chiến lược gia tại ING, Warren Patterson và Ewa Manthey, cho rằng những lo ngại ngày càng nhiều về nhu cầu của Trung Quốc đang gây sức ép lên thị trường, sau khi loạt số liệu được công bố đầu tuần này cho thấy triển vọng nhu cầu yếu đi. Trong khi đó, khả năng thị trường thắt chặt trong quý 3 tiếp tục hỗ trợ giá dầu.

Theo nhà phân tích thị trường Phil Flynn tại Price Futures Group, những rủi ro liên quan đến kinh tế Trung Quốc cũng hạn chế tác động tích cực từ khả năng Fed hạ lãi suất - động thái có thể thúc đẩy nhu cầu dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục