Giá dầu thế giới giảm gần 1% trong phiên giao dịch 13/7

Giá dầu Brent giảm 32 xu, hay 0,7%, xuống 42,92 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 phút, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate của Mỹ giảm 33 xu, hay 0,8%, xuống 40,22 USD/thùng.
Niêm yết giá xăng dầu ở Karachi, Pakistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Niêm yết giá xăng dầu ở Karachi, Pakistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm gần 1% trong phiên 13/7, khi các nhà giao dịch hướng sự chú ý đến cuộc họp của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tuần này, cuộc họp được cho là sẽ đưa ra khuyến nghị nới lỏng việc cắt giảm nguồn cung vốn đang đẩy giá dầu đi lên.

Giá dầu Brent giảm 32 xu, hay 0,7%, xuống 42,92 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate của Mỹ giảm 33 xu, hay 0,8%, xuống 40,22 USD/thùng.

Giá dầu ít biến động trong tuần trước, khi sự tăng vọt số ca nhiễm COVID-19 đã khiến một số bang của Mỹ phải áp đặt những hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn, điều có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi nhu cầu dầu mỏ ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, giá dầu tăng hơn 2% trong phiên 10/7, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 thêm 400.000 thùng/ngày.

[Giá dầu tăng sau khi nhận được hàng loạt tín hiệu hỗ trợ tích cực]

Giá dầu phục hồi mạnh từ mức thấp nhất trong nhiều thấp kỷ qua hồi tháng Tư, khi OPEC và các nước sản xuất liên minh, trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020.

Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC sẽ họp trong hai ngày 14-15/7 để khuyến nghị về mức cắt giảm tiếp theo sau khi mức độ tuân thủ thỏa thuận đạt 107% trong tháng Sáu, tăng so với mức 77% trong tháng Năm.

OPEC và Nga được cho là sẽ giảm mức cắt giảm nguồn cung của OPEC+ xuống 7,7 triệu thùng/ngày khi nhu cầu dầu toàn cầu đã phục hồi và giá dầu tăng trở lại.

Giá dầu tăng đã thúc đẩy các nhà sản xuất của Mỹ bắt đầu khai thác trở lại khi số giàn khoan dầu và khí đốt xuống mức thấp kỷ lục tuần thứ 10 liên tiếp.

Libya đã xuất khẩu lô dầu thô đầu tiên trong sáu tháng vào ngày 10/7 sau khi bị lực lượng miền Đông phong tỏa, nhưng sau đó đã tái áp đặt lệnh phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu vào ngày 12/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục