Giá dầu thế giới giảm do dự báo tăng trưởng nhu cầu yếu hơn

Theo nhà phân tích thị trường Alfonso Esparza tại OANDA, giá dầu giảm trong phiên đầu tuần do dự báo nhu cầu bị cắt giảm trong tuần trước và sự bi quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Một cơ sở khai thác dầu ở Zawiya của Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên 12/8, do những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, những yếu tố đã khiến các dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu bị hạ xuống.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn chuẩn quốc tế ở mức 58,4 USD/thùng vào lúc 13 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, giảm 13 xu Mỹ, hay 0,2%, so với mức chốt phiên trước.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn của Mỹ ở mức 54,33 USD/thùng, giảm 17 xu Mỹ, hay 0,3%.

Cả hai loại dầu đều giảm trong tuần trước, với dầu Brent giảm hơn 5% và dầu WTI giảm khoảng 2%.

Nhà phân tích thị trường Alfonso Esparza tại OANDA (Toronto) cho rằng giá dầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần do dự báo nhu cầu bị cắt giảm trong tuần trước và sự bi quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

[Nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2008]

Goldman Sachs ngày 11/8 cho rằng những lo ngại về nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ra một cuộc suy thoái đang gia tăng và nhận định hai nước sẽ đạt thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Theo báo cáo ngày 9/8 vừa qua của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những dấu hiệu gia tăng về sự giảm tốc tăng trưởng và sự leo thang cuộc chiến thương mại đã khiến nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu tăng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

IEA đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2019 và 2020 xuống các mức tương ứng 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, các nguồn tin thân cận cho biết, sản lượng dầu của Nga tăng lên 11,32 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ ngày 1-8/8 vừa qua, từ mức trung bình 11,15 triệu thùng/ngày của tháng Bảy năm nay.

Trong tháng Bảy vừa qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh, trong đó có Nga, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đến tháng 3/2020 để vực dậy giá dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục