Dù đi xuống trong phiên cuối tuần song lực tăng vài phiên trước đó đã giúp giá dầu thế giới đón nhận tuần đi lên đầu tiên trong 5 tuần qua, giữa bối cảnh xuất hiện đồn đoán rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể sẽ đề xuất cắt giảm sản lượng tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 5/10 tới.
Đồng USD mạnh khiến giá dầu giảm ngay trong phiên giao dịch đàu tuần này (ngày 26/9). Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã phục hồi ấn tượng trong hai phiên giao dịch liên tiếp liền sau đó, hỗ trợ bởi sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực Vịnh Mexico nước Mỹ trước cơn bão Ian và đồng USD giảm nhẹ từ mức “đỉnh” 20 năm.
Các nhà phân tích cho biết giá dầu, vốn đã giảm hơn 22% tính đến thời điểm này của quý 3/2022, có thể chạm đáy, khi nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi và Mỹ sắp dừng việc mở bán dầu từ Kho dự trữ chiến lược.
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu đã tăng trở lại cũng hỗ trợ giá "vàng đen," mặc dù nguồn cung các sản phẩm đã qua tinh chế vẫn thấp hơn 3% trong bốn tuần qua so với cùng kỳ năm trước.
[OPEC+ khởi động các cuộc thảo luận về cắt giảm sản lượng]
Đà sụt giảm giá dầu trong những tháng gần đây đã làm dấy lên suy đoán rằng OPEC+ có thể can thiệp vào thị trường. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ngày 25/9 cho biết, OPEC+ đang theo dõi giá dầu và không muốn chứng kiến mức tăng mạnh hay giảm mạnh. Giovanni Staunovo và Wayne Gordon thuộc ngân hàng Thụy Sỹ UBS cho biết: “Chỉ một đợt cắt giảm sản lượng của OPEC + có thể phá vỡ đà tiêu cực trong ngắn hạn.”
Giá dầu thế giới lại đảo chiều đi xuống vào hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, tuột khỏi ngưỡng 90 USD/thùng, trong bối cảnh nhà giao dịch chịu sức ép từ triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi.
Ryan Dusek, Giám đốc Nhóm Tư vấn Rủi ro Hàng hóa tại Opportune LLP (Mỹ) cho biết hiện thị trường dầu đang chao đảo giữa nhu cầu giảm sút do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây ra và nguồn cung dầu bị thắt chặt.
Tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hoạt động đi lại trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài một tuần sắp tới có thể sẽ ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm do các quy định về chính sách zero COVID của nước này khiến người dân phải ở nhà trong khi nền kinh tế bất ổn làm hạn chế chi tiêu. Điều này cũng tác động xấu tới giá dầu.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/9, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, nhưng tính chung cả tuần, giá vẫn tăng lần đầu tiên trong 5 tuần qua, nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD yếu và khả năng OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,74 USD (2,1%), xuống 7949 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2022 cũng mát 53 xu Mỹ (0,6%), xuống 87,96 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều tăng hơn 1 USD vào đầu phiên nhưng đã thu hẹp đà tăng và quay đầu giảm vào cuối phiên do thông tin rằng sản lượng dầu của OPEC trong tháng 9/2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020, vượt qua mức tăng đã cam kết trong tháng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết lo ngại gia tăng về sự ổn định tài chính ở Anh đang làm suy yếu triển vọng nhu cầu dầu mỏ một lần nữa. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 2% và 1%, đánh dấu mức tăng theo tuần đầu tiên kể từ tháng 8/2022 và sau khi chạm mức thấp nhất trong chín tháng ghi nhận trong tuần này.
Tuy nhiên, tính trong quý 3 vừa qua, giá dầu Brent giảm 23% và dầu WTI giảm 25%.
Cuộc họp trong tuần tới của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm ghi nhận vào tháng 3/2022 và thị trường năng lượng đã chứng kiến nhiều biến động.
Một nguồn tin từ OPEC cho hay quyết định cắt giảm sản lượng từ 500.000-1 triệu thùng/ngày là điều "có thể xảy ra", trong khi hai nguồn tin khác từ OPEC+ nói rằng các thành viên chủ chốt của liên minh này đã bàn về vấn đề hạn chế sản lượng trong tháng 10/2022./.