Giá dầu thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch 26/7

Thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ vẫn thiếu hụt bất chấp quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác nhằm tăng sản lượng trong suốt thời gian còn lại của năm.
Giá dầu thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch 26/7 ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 26/7, giá dầu thế giới biến động trái chiều, khi sự lan rộng của biến thể Delta gây ra lo ngại về nhu cầu nhiên liệu. Song, dự báo về sự thắt chặt nguồn cung dầu thô trong nửa cuối năm đã phần nào hạn chế đà giảm của mặt hàng này.

Chốt phiên, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 40 xu Mỹ (0,5%) lên 74,50 USD/thùng, trong khi giá dầu nhẹ New York giảm 16 xu Mỹ (0,2%) xuống 71,91 USD/thùng. Đầu phiên giao dịch, cả hai loại dầu đều giảm hơn 1 USD/thùng.

Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vào cuối tuần qua, với một số quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục hàng ngày và buộc mở rộng các biện pháp hạn chế để ngăn sự lây lan của dịch bệnh.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19.

Một số người lo ngại rằng trong năm nay nhập khẩu dầu của Trung Quốc có thể tăng với tốc độ chậm nhất trong hai thập kỷ khi Bắc Kinh kiểm soát tình trạng lạm dụng hạn ngạch nhập khẩu.

[Giá vàng thế giới giảm phiên 26/7 trước thềm cuộc họp của Fed]

Avtar Sandu, nhà quản lý cấp cao của công ty môi giới Phillip Futures có trụ sở tại Singapore, cho biết biến thể Delta vẫn đang lan rộng và Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế các nhà máy lọc dầu độc lập, theo đó tăng trưởng nhập khẩu của nước này sẽ không cao.

Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu thô đều đã phục hồi từ mức sụt giảm 7% vào đầu tuần và đánh dấu mức tăng hàng tuần đầu tiên trong 2-3 tuần, nhờ nhu cầu gia tăng tại Mỹ và kỳ vọng nguồn cung thắt chặt.

Theo các nhà giao dịch, lượng dầu tồn kho tại kho cảng Cushing, Oklahoma (Mỹ) đã giảm khoảng 2,6 triệu thùng trong tuần trước.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ vẫn thiếu hụt bất chấp quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm tăng sản lượng trong suốt thời gian còn lại của năm.

Craig Erlam, nhà phân tích tại sàn giao dịch OANDA có trụ sở tại Mỹ, nhận định nhu cầu đối với các tài sản rủi ro đã cải thiện đáng kể trong tuần qua và cũng giống như các tài sản rủi ro khác, dầu thô đang trong giai đoạn tạm nghỉ trước khi bước vào những phiên giao dịch sôi động sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục