Giá dầu thế giới biến động nhẹ do tình trạng tắc nghẽn Kênh đào Suez

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Năm tăng 2,41 USD, hay 4,1%, chốt phiên ở mức 60,97 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, sau khi giảm 4,3% trong phiên 25/3 và tăng 5,9% trong phiên 24/3.
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới chốt phiên 26/3 tăng khi "siêu tàu" có trọng tải 220.000 tấn bị mắc kẹt làm tắc nghẽn Kênh đào Suez ngày thứ tư liên tiếp và những nỗ lực giải cứu chưa thành công.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm tăng 2,41 USD, hay 4,1%, chốt phiên ở mức 60,97 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, sau khi giảm 4,3% trong phiên 25/3 và tăng 5,9% trong phiên 24/3.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 2,62 USD, hay 4,2%, lên 64,57 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe, sau khi giảm 3,8% trong phiên 25/3 và tăng 6% trong phiên 24/3.

Giá dầu thế giới giảm khoảng 6% trong phiên giao dịch 23/3 do thị trường lo ngại các lệnh hạn chế đi lại và chậm triển khai vaccine ngừa COVID-19 ở châu Âu sẽ làm tăng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 3,83 USD (5,9%) xuống 60,79 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cũng giảm 3,80 USD (6,2%) xuống 57,76 USD/thùng.

Giá dầu ổn định trong phiên giao dịch 22/3 nhờ kỳ vọng nhu cầu tăng cao vào cuối năm nay giúp chặn bớt tình trạng bán tháo cuối tuần qua.

[Giá dầu châu Á đảo chiều tăng 2% trong phiên 26/3]

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 9 xu Mỹ (tương đương 0,1%) lên 64,62 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao kỳ hạn giảm 13 xu Mỹ (0,2%) xuống 61,55 USD/thùng.

Tình trạng tắc nghẽn đã làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ qua Kênh đào Suez, nhưng giá dầu WTI giảm 0,8% trong cả tuần, trong khi giá dầu Brent tăng 4 xu Mỹ, theo Dow Jones Market Data.

Hiện vẫn chưa rõ tình trạng tắc nghẽn tại Kênh đào Suez sẽ kéo dài bao lâu nhưng một số chuyên gia nhận định sẽ là vài tuần.

Theo ước tính, 10% tổng lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển là đi qua kênh đào nối Biển Đỏ và Biển Địa Trung Hải này.

Kênh đào Suez là tuyến vận tải quan trong đối với dầu mỏ từ vịnh Ba Tư và việc chưa rõ sẽ mất bao lâu để giải cứu con tàu bị mắc kẹt đã làm phức tạp triển vọng của các tài sản năng lượng.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch năng lượng cũng lo ngại về tình trạng phong tỏa hoạt động kinh doanh kéo dài tại châu Âu nhằm ngăn chặn đại dịch có thể khiến nhu cầu với các sản phẩm năng lượng giảm.

Theo ông Tyler Richey, làm việc tại công ty nghiên cứu tài chính Sevens Report Research, nền tảng cơ bản của thị trường dầu mỏ đã xấu đi trong tuần qua khi nhu cầu được điều chỉnh giảm, nhưng sự không chắc chắn trong ngắn hạn liên quan đến Kênh đào Suez đã hỗ trợ giá dầu.

Ông Richey cho rằng tác động của việc giao thông qua Kênh đào Suez đình trệ đối với các thị trường trong khu vực sẽ được kiểm soát khi dự trữ dầu mỏ của toàn cầu vẫn cao kỷ lục. Ngay cả khi tuyến vận tải biển trọng yếu này bị tắc nghẽn trong nhiều tuần, các nước tiêu thụ chủ yếu có thể sử dụng nguồn dữ trự còn dồi dào.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 24/3 báo cáo dự trữ dầu thô của nước này tăng tuần thứ năm liên tiếp, hiện ở mức gần 503 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm cho thời điểm này của năm là 6%.

Theo ông Richey, do nguồn cung dồi dào, các nhà giao dịch chú ý tới việc các nền tảng của thị trường xấu đi do các biện pháp phong tỏa tại châu Âu và việc các dự báo nhu cầu trong trung hạn liên tục được điều chỉnh giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục