Trong phiên giao dịch sáng 24/9, giá dầu trên thị trường châu Á tăng do thị trường bị thắt chặt chỉ vài tuần trước khi Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ Iran ( dự kiến từ đầu tháng Mười Một tới).
Tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 74 xu Mỹ (1,1%) lên 71,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 94 xu Mỹ (1,2%) lên 79,74 USD/thùng.
Ngân hàng ANZ cho biết thị trường ngày càng lo ngại về việc lượng dự trữ dầu của nước này giảm. Dự trữ dầu của Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Iran - một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu OPEC, cũng như cuộc chiến thương mại đang có nguy cơ bùng phát giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu cũng như thị trường dầu mỏ.
[Lo ngại nhu cầu toàn cầu sụt giảm, giá dầu châu Á tiếp tục hạ]
Quan chức năng lượng Nga cho biết thêm Thoả thuận Algiers 2016 về cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày của 25 quốc gia OPEC và ngoài OPEC sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Do đó, các nước sẽ cần thảo luận kỹ lưỡng để mở rộng hợp tác, đối phó với những thách thức ngày càng tăng mà các nước phải đối mặt trong tương lai.
Ông cho rằng mức giá 80 USD/ thùng hiện tại là phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo thị trường toàn cầu cân bằng.
Trong khi đó, thị trường dường như không có phản ứng trước thông tin vòng áp thuế trả đũa mới giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày hôm nay ( 24/9).
Trước đó, ngày 23/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo sản lượng dầu toàn cầu dựa trên mức sản lượng cao hơn dự đoán của Mỹ, đồng thời dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng lên trong dài hạn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Trong báo cáo thường niên có tên “Triển vọng dầu mỏ thế giới,” OPEC dự đoán nguồn cung tất cả các sản phẩm hydrocarbon trên toàn cầu, chủ yếu là dầu và khí tự nhiên hóa lỏng, sẽ tăng từ mức hiện tại 98,4 triệu thùng/ngày lên 104,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 111,9 triệu thùng/ngày năm 2040.
Các con số trên cao hơn so với dự đoán của năm ngoái, trong đó nguyên nhân chính là sản lượng dầu gia tăng của các nước ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ. Cụ thể, tổng sản lượng của các nước ngoài OPEC được dự đoán sẽ tăng 8,6 triệu thùng/ngày lên 66,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 do nhu cầu toàn cầu tăng.
OPEC dự đoán nhu cầu dầu sẽ tiến tục đà tăng dù các loại xe chạy bằng điện đang ngày càng mở rộng thị phần và các nước cũng đang thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong đó, theo OPEC, các quốc gia đang phát triển là nhân tố chính chi phối xu hướng gia tăng nhu cầu này. Ngược lại, nhu cầu ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ giảm từ đầu những năm 2020, nhưng vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu cho đến năm 2040./.