Giá dầu tại thị trường châu Á quay đầu đi lên phiên 25/10

Việc Fed tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát đã có hiệu quả và có thể thuyết phục Fed “nới tay” với chính sách tăng lãi suất, một tín hiệu tích cực cho nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu tại thị trường châu Á quay đầu đi lên phiên 25/10 ảnh 1Trạm tiếp nhận dầu thô tại cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, bang Utah, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 25/10, khi đồng USD suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này bị hạn chế do lo ngại rằng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu chậm lại, giữa bối cảnh các dữ liệu kinh tế từ các nước nhập khẩu dầu quan trọng như Trung Quốc đều ảm đạm.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 3 xu Mỹ, lên 93,29 USD/thùng, sau khi giảm 0,3% trong phiên trước đó.

Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 12 tăng 11 xu Mỹ, lên 84,69 USD/thùng, sau khi giảm 0,6% ở phiên trước đó.

Đồng USD đi xuống trong phiên 25/10, khi ngày càng có thêm các dấu hiệu cho thấy việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang kìm hãm nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi tâm lý rủi ro được cải thiện khi cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak trở thành tân Thủ tướng Anh.

Đồng USD yếu hơn làm cho giá dầu, vốn được định giá bằng đồng USD bớt đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, các dấu hiệu về hoạt động kinh tế không chắc chắn ở Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã hạn chế đà tăng giá “vàng đen.”

[Giá dầu thế giới đi xuống trước đà tăng của 'đồng bạc xanh']

Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insights, cho biết: “Giá dầu dao động khá mạnh trong phiên này, sau khi bị mắc kẹt trong biên độ tương đối hẹp kể từ tuần trước.”

Các yếu tố cơ bản về cung và cầu chủ yếu vẫn ổn định, khiến các dữ liệu về kinh tế trở thành tâm điểm đối với thị trường dầu mỏ.

Hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 10/2022. Trong một cuộc khảo sát hàng tháng của S&P Global, các nhà sản xuất và các công ty dịch vụ cho biết nhu cầu của khách hàng đang giảm.

Kết quả này có thể chỉ ra rằng việc Fed tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát đã có hiệu quả và có thể thuyết phục Fed “nới tay” với chính sách tăng lãi suất, một tín hiệu tích cực cho nhu cầu nhiên liệu.

Cũng trong ngày 25/10, dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 9/2022 thấp hơn 2% so với một năm trước đó, nối dài xu hướng giảm trong nhiều tháng qua, đồng thời báo cáo doanh số bán lẻ trong cùng kỳ cũng chậm lại.

Dự trữ dầu thô của Mỹ cũng dự kiến sẽ tăng trong tuần này, qua đó có thể hạn chế việc tăng giá dầu. Các nhà phân tích được Reuters thăm dò ước tính trung bình rằng lượng dầu tồn kho của Mỹ sẽ tăng 200.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 21/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục