Giá dầu tại thị trường châu Á tăng phiên thứ năm liên tiếp trong phiên chiều 27/9, với giá dầu Brent ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 và hướng tới mức 80 USD/thùng.
Giá dầu châu Á đạt mức cao nói trên trong lúc có những lo ngại về nguồn cung khi nhiều nơi trên thế giới chứng kiến nhu cầu tăng nhờ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được nới lỏng.
Giá dầu Brent tăng 1,15 USD, hay 1,5%, lên 79,24 USD/thùng vào lúc 16 giờ 04 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi tăng tuần tăng thứ ba liên tiếp trong tuần trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD, hay 1,5%, lên 75,05 USD/thùng, gần mức cao nhất kể từ tháng Bảy, sau khi tăng năm tuần liên tiếp.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 10 USD vào cuối năm nay, lên 90 USD/thùng, khi sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu nhanh hơn sau khi biến thể Delta lây lan và cơn bão Ida ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Mỹ, dẫn tới nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
[Sáng 27/9, giá dầu châu Á tăng lên mức cao nhất trong ba năm]
Công ty nghiên cứu ANZ Research (Australia) cho rằng nguồn cung tiếp tục thắt chặt khiến dự trữ ở tất cả khu vực đều được sử dụng. Việc giá khí đốt tăng cũng góp phần làm giá dầu tăng, khi việc sử dụng dầu cho sản xuất điện rẻ hơn tương đối.
Trước sự phục hồi nhu cầu, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng khi thiếu đầu tư và những trì hoãn trong hoạt động bảo dưỡng kéo dài do đại dịch.
Đợt mở bán kho dự trữ dầu mỏ quốc gia lần đầu tiên của Trung Quốc đơn thuần là để kiểm soát đà tăng giá khi các công ty dầu khí PetroChina và Hengli Petrochemical mua bốn lô với tổng cộng khoảng 4,43 triệu thùng.
Lượng nhập khẩu dầu của Ấn Độ đạt mức đỉnh ba tháng trong tháng Tám, tăng so với mức thấp trong gần một năm vào tháng Bảy, khi các nhà máy lọc dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới này tăng sản xuất để đón trước sự gia tăng nhu cầu./.