Giá dầu châu Á phục hồi và đạt mức cao nhất của 13 tháng trong chiều 18/2, do những lo ngại về tình trạng gián đoạn sản lượng dầu thô của Mỹ có thể kéo dài đã thúc đẩy hoạt động mua vào.
Phiên này, giá dầu Brent tăng 56 xu Mỹ (tương đương 0,9%) lên mức 64,90 USD/thùng lúc 14 giờ 44 phút (theo giờ Việt Nam).
Trước đó cùng phiên, giá dầu Brent đã có lúc tăng lên 65,62 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 20/1/2020.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 46 xu Mỹ (0,8%) lên 61,60 USD/thùng, sau khi đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 62,26 USD/thùng.
Ông Hiroyuki Kikukawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Nissan Securities cho biết giá dầu đã tăng trở lại trong phiên này do nhận định rằng sự gián đoạn của các nhà sản xuất và lọc dầu ở Texas có thể kéo dài trong một thời gian.
Tình trạng băng giá khắc nghiệt của Texas đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp, khiến hoạt động lọc dầu tại bang sản xuất năng lượng lớn nhất ở Mỹ bị đình trệ. Việc các trung tâm sản xuất dầu và khí đốt tại Texas phải đóng cửa cũng ảnh hưởng tới nước láng giềng Mexico.
[Hoạt động sản xuất tê liệt, Texas cấm xuất khí tự nhiên ra khỏi bang]
Theo các nhà phân tích của Wood Mackenzie, sản lượng dầu của Mỹ đã phải cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày và có thể mất vài tuần trước khi được khôi phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, chuyên gia Kikukawa cũng nhận định với hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới tại Mỹ và việc triển khai rộng rãi vắcxin ngừa COVID-19, giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong giai đoạn tới. Ông dự đoán rằng giá dầu WTI có thể “thử sức” với ngưỡng 65 USD/thùng.
Sự phục hồi của giá dầu trong những tháng gần đây cũng được hỗ trợ bởi tình trạng thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu. Phần lớn điều này do kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất "vàng đen" lớn ngoài khối, bao gồm Nga.
Một số nguồn thạo tin của OPEC tiết lộ rằng tổ chức trên có khả năng nới lỏng kế hoạch kiểm soát nguồn cung sau tháng 4/2021 do giá “vàng đen” đã phục hồi./.