Giá dầu tại thị trường châu Á áp sát mức cao nhất kể từ đầu năm

Giá dầu tại thị trường châu Á neo gần các mức cao nhất kể từ đầu năm nay, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức OPEC.
(Nguồn: Reuters)

Trong phiên giao dịch ngày 19/3, giá dầu tại thị trường châu Á neo gần các mức cao nhất kể từ đầu năm nay, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cũng hỗ trợ giá “vàng đen” trong phiên này, cho dù biên độ tăng còn hạn chế do sản lượng dầu của Mỹ tăng cao.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 5 xu Mỹ, lên 59,14 USD/thùng, áp sát mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 là 59,23 USD/thùng vừa được xác lập phiên trước đó.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 20 xu Mỹ, lên 67,74 USD/thùng, gần chạm mức cao nhất kể từ đầu năm nay là 68,14 USD/thùng ghi nhận vào cuối tuần trước.

[Giá dầu thế giới tiến đến gần mức cao nhất trong 4 tháng]

Tại Trung Quốc, giá dầu Thượng Hải giao kỳ hạn cũng tăng 4,5% so với mức đóng cửa phiên trước, lên 69,71 USD/thùng, cũng xấp xỉ mức cao nhất kể từ đầu năm ghi nhận hồi tháng Hai vừa qua.

Ngày 18/3, OPEC đã quyết định hủy kế hoạch họp như dự kiến vào tháng Tư tới, qua đó tạo điều kiện để thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của tổ chức này và các đồng minh sẽ có hiệu lực ít nhất tới tháng Sáu, khi cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra.

Ngoài ra, quyết định trì hoãn cũng cho phép các nhà sản xuất đánh giá liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela (hai thành viên của OPEC) sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường dầu trong vài tháng tới.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 25/6 để quyết định xem có nên tiếp tục giảm sản lượng tới cuối năm 2019 hay không.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, vẫn còn quá sớm để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận đến sau tháng Sáu.

Alfonso Esparza, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới hàng hóa OANDA, cho biế, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã mang lại sự ổn định cho giá dầu thế giới và các dấu hiệu về việc gia hạn thỏa thuận này đã đẩy giá dầu tăng cao hơn.

Thêm vào đó, giá dầu châu Á trong phiên này còn được hỗ trợ bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.

Tuy vậy, giới phân tích vẫn dõi theo sản lượng dầu thô của Mỹ, vốn tăng hơn 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2018, lên khoảng 12 triệu thùng ngày, qua đó đưa Mỹ vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 20/3.

Bank of America Merrill Lynch dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2019 và 2020 lần lượt chỉ đạt 1,2 triệu thùng/ngày và 1,12 triệu thùng/ngày.

Ngân hàng này cho rằng, mức giá trung bình của dầu Brent và dầu WTI  sẽ lần lượt là 70 USD/thùng và 59 USD/thùng trong năm nay; 65 USD/thùng và 60 USD/thùng năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục