Giá dầu tại châu Á phiên 3/1 biến động trong biên độ hẹp, dù triển vọng nhu cầu xấu đi khi một khảo sát cho thấy hoạt động chế tạo tại Trung Quốc yếu và người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt với một năm thách thức phía trước.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1 USD, xuống 86,29 USD/thùng vào lúc 14 giờ 37 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 51 xu Mỹ, hay 0,64%, lên 80,77 USD/thùng.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và tiêu thụ nhiều thứ hai, theo khảo sát của Caixin/Markit, giảm từ mức 49,4 trong tháng 11/2022 xuống 49 trong tháng 12/2022. Chỉ số này vẫn ở mức dưới mốc 50 điểm phân định giữa tăng trưởng và suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Theo nhà phân tích Leon Li tại CMC Markets (Trung Quốc), thị trường không thể kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh sau ba năm thực hiện chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ tiết kiệm xã hội tăng và số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng mạnh trong những tháng gần đây.
[Thị trường dầu thế giới kết thúc một năm thăng trầm với đà tăng]
Một yếu tố khác khiến triển vọng nhu cầu xấu hơn là Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, cuối tuần qua nhận định Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, những động lực tăng trưởng chính, đều đang đồng thời giảm tốc, khiến 2023 là năm khó khăn hơn cho kinh tế toàn cầu so với năm 2022.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 1/2 cho những nước áp dụng trần giá dầu.
Dầu thô của Nga đã được chuyển hướng sang Ấn Độ, thay vì châu Âu.
Giá dầu Brent và WTI khép lại năm 2022 với các mức tăng tương ứng 10,5% và 6,7% so với năm 2021./.