Giá dầu tại châu Á chạm mức cao nhất kể từ 10 ngày qua

Giá dầu tăng phiên thứ sáu liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ ngày 19/6, khi sản lượng dầu của Mỹ giảm, dù lo ngại về tình trạng dư cung vẫn là yếu tố gây sức ép lên thị trường.
Giá dầu tại châu Á chạm mức cao nhất kể từ 10 ngày qua ảnh 1Cửa hàng bán xăng dầu ở New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 29/6 tại châu Á, giá dầu tăng phiên thứ sáu liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ ngày 19/6, khi sản lượng dầu của Mỹ giảm, dù lo ngại về tình trạng dư cung vẫn là yếu tố gây sức ép lên thị trường.

Tại Singapore giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ tăng 21 cent, hay 0,5%, lên 44,95 USD/thùng vào lúc 13 giờ 48 phút giờ Việt Nam, trong khi giá dầu Brent tăng 20 cent, hay 0,4%, lên 47,51 USD/thùng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này tăng 118.000 thùng trong tuần trước, trong khi sản lượng trong tuần giảm 100.000 thùng/ngày, xuống 9,3 triệu thùng/ngày, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.

Bên cạnh đó, dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 894.000 thùng, cho thấy nhu cầu bắt đầu tăng. Các nhà giao dịch và các nhà phân tích cho rằng việc sản lượng của Mỹ giảm trong tuần trước liên quan đến các yếu tố mang tính tạm thời như cơn bão nhiệt đới Cindy ở vịnh Mexico và công tác bảo dưỡng ở Alaska.

Tuy nhiên, các nguồn cung trên toàn cầu vẫn cao dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất khác đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017.

OPEC và các nước sản xuất khác hồi tháng Năm đã nhất trí gia hạn thỏa thuận tới tháng 3/2018. Tuy nhiên, OPEC miễn cho Nigeria và Libya không tham gia thỏa thuận.

Các đại diện của OPEC cho biết sẽ không sớm cắt giảm thêm sản lượng hay kết thúc những miễn trừ, mặc dù cuộc họp tại Nga vào tháng tới có thể cân nhắc các bước đi tiếp theo để hỗ trợ thị trường.

OPEC đã thực hiện tốt việc cắt giảm sản lượng, ở mức 104% tính đến nay và 106% trong tháng Năm, chủ yếu nhờ những nỗ lực giảm sản lượng nhiều hơn mức cam kết của Saudi Arabia.

Goldman Sachs cho rằng hoạt động khai thác dầu đá phiến và sản lượng của Libya cũng như Nigeria bất ngờ tăng mạnh đang làm chậm tốc độ giảm dự trữ trong năm 2017, gây rủi ro cho việc đưa dự trữ dầu về mức bình thường khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục