Trong báo cáo đánh giá về triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới trong năm năm tới vừa được công bố ngày 10/2, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định giá dầu thô thế giới sẽ phục hồi phần nào từ mức 50-60 USD/thùng hiện nay, song sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với ngưỡng trên 100 USD/thùng được lập trước khi "vàng đen" bắt đầu lao dốc hồi tháng 6/2014.
Nguồn cung dầu mỏ dồi dào trong khi nhu cầu yếu đã khiến giá dầu thô giảm gần 60% kể từ tháng 6/2014. Tuy nhiên, báo cáo của IEA cho rằng thị trường sẽ cân bằng trở lại tương đối nhanh, nhờ tình trạng gia tăng dự trữ dầu có thể sẽ chững lại vào giữa năm.
Sau khi IEA công bố báo cáo trên, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ và Brent biển Bắc ngày 10/2 lần lượt giảm 2,84 USD và 1,91 USD, xuống còn 50,02 và 56,43 USD/thùng.
Theo IEA, sự phục hồi (phần nào) của giá dầu thô thế giới có lẽ sẽ chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IEA lưu ý rằng bất chấp việc dầu thô rớt giá trong thời gian qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 từ 3,8% xuống 3,5%.
Triển vọng kinh tế tăng trưởng yếu đi là lý do khiến IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 xuống 99,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1,1 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với mức 92,4 triệu thùng/ngày trong năm 2014.
Phát biểu tại London (Anh) sau khi báo cáo trên được công bố, Giám đốc IEA, Maria van der Hoven nói rằng quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng - một động thái khiến giá dầu thô lao dốc mạnh mẽ sau cuộc họp của OPEC tháng 11/2014 - là nhằm để thị trường tự cân bằng, song nó cũng phản ảnh thực tế rằng sự xuất hiện của dầu đá phiến đang làm thay đổi thị trường dầu mỏ toàn cầu như thế nào.
IEA dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm dần trong năm nay, song sẽ nhanh chóng "lấy lại phong độ," với mức tăng 50% so với mức của năm 2014, lên 5,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020.
IEA cho rằng tỷ trọng dầu mỏ của OPEC - hiện chi phối 30% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu - trong nguồn cung dầu toàn cầu sẽ chưa thể trở lại mức trước khi nguồn cung dầu đá phiến tăng vọt. Cơ quan năng lượng này dự báo sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC sẽ tăng nhẹ lên mức 60 triệu thùng/ngày vào năm 2020, thấp hơn 1,4 triệu thùng so với dự báo được đưa ra trước đó.
Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ của Nga ước giảm 5,5% xuống 10,37 triệu thùng/ngày vào năm 2020, sau khi đạt mức đỉnh 10,97 triệu thùng/ngày trong năm 2013, trong bối cảnh Nga phải đối mặt đối với biện pháp trừng phạt của phương Tây, đồng nội tệ mất giá và giá “vàng đen” đi xuống./.