Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên ngày 18/8 do sản lượng dầu của Mỹ có dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên, dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ và dầu Brent Biển Bắc đều kết thúc chuỗi tuần tăng giá kéo dài nhất tính từ đầu năm tới nay, do tâm lý lo ngại về sức tăng trưởng của nhu cầu toàn cầu.
Khép phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 86 xu (1,1%) lên 81,25 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 68 xu (0,8%) lên 84,80 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng cao trong phiên 18/8, sau khi thị trường nhận được thống kê cho hay số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ (một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai) giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp.
Hoạt động sản xuất dầu của Mỹ sụt giảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến trong thời gian còn lại của năm nay.
Những lo ngại này, xuất phát từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ cắt giảm sản lượng, đã giúp giá dầu tăng trong bảy tuần liên tiếp kể từ tháng 6/2023.
Dầu Brent đã tăng khoảng 18% và dầu WTI tăng 20% trong bảy tuần tính đến ngày 11/8.
Tuy nhiên, trong tuần này, giá dầu đã giảm khoảng 2% so với tuần trước do cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc có dấu hiệu ngày càng trầm trọng, làm tăng thêm lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế chậm chạp của nước này và làm giảm nhu cầu tìm đến tài sản rủi ro.
Rob Haworth, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management, cho biết mối lo ngại của các nhà đầu tư vẫn tập trung vào nguy cơ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt.
Mối lo ngại cũng gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất để giải quyết lạm phát.
Chi phí vay cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu chung đối với dầu mỏ.
Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của công ty Infrastructure Capital Management, cho biết giá dầu chuẩn bị giảm thêm do nhu cầu theo mùa yếu đi vào mùa Thu.
Ông Hatfield dự đoán nhu cầu sẽ ổn định ở Trung Quốc mặc dù nền kinh tế của nước này đang chậm lại và giá dầu dự kiến sẽ giao dịch trong khoảng từ 75 USD đến 90 USD/thùng trong những tháng tới.
Xu hướng giảm gần như bao trùm thị trường dầu trong tuần này. Đồng bạc xanh mạnh lên đã kéo giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 14/8.
[Giá dầu thị trường thế giới tăng phiên thứ 3 liên tiếp do đồng USD yếu]
Sang phiên 15/8, giá dầu thế giới giảm hơn 1% trước số liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và những lo ngại rằng mức giảm lãi suất của nước này là chưa đủ để vực dậy đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số liệu doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đang giảm tốc hơn nữa trong tháng trước, khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) giảm nhẹ lãi suất chính sách chủ chốt để kích thích hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mức cắt giảm mới đây là quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Có ý kiến lo ngại rằng Trung Quốc có thể gặp khó trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay nếu không có các biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa.
Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo tăng tưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc xuống còn 4,5% do sự suy yếu nhanh hơn dự đoán của thị trường nhà ở.
Đà giảm mạnh của giá dầu thế giới chưa kết thúc trong phiên ngày 16/8 bất chấp lượng dầu dự trữ trong các kho của Mỹ sụt giảm lớn.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 16/8 công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm gần 6 triệu thùng trong tuần trước.
Sang phiên 17/8, giá dầu đi lên khi đà tăng của đồng USD dịu lại và PBoC tìm cách thúc đẩy thị trường bất động sản và nền kinh tế.
PBoC cho biết sẽ giữ thanh khoản dồi dào hợp lý và duy trì chính sách "chính xác và mạnh mẽ" để hỗ trợ đất nước phục hồi kinh tế trước những cơn gió ngược.
Một thông tin khiến thị trường lạc quan là Trung Quốc đã thực hiện một đợt giảm dự trữ dầu thô hiếm hoi vào tháng 7/2023, và là lần đầu tiên trong 33 tháng nước này giảm dự trữ./.