Giá dầu phiên 27/6 tăng gần 2 USD do lo nguồn cung, giá vàng đi xuống

Trong phiên 27/6, giá dầu thế giới tăng gần 2 USD/thùng do nỗi lo về nguồn cung, giá vàng đi xuống giữa bối cảnh lãi suất tăng cao tạo sức ép giảm cho kim loại quý này.
Một cơ sở lọc dầu tại thị trấn Ras Lanuf, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên 27/6, giá dầu thế giới tăng gần 2 USD/thùng do nỗi lo về nguồn cung, giá vàng đi xuống giữa bối cảnh lãi suất tăng cao tạo sức ép giảm cho kim loại quý này. 

Dầu tăng gần 2 USD/thùng do nỗi lo về nguồn cung

Giá dầu thế giới tăng 2 USD/thùng trong phiên 27/6 do khả năng nguồn cung thắt chặt hơn nữa xuất hiện trên thị trường, khi Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gia tăng sức ép đối với Nga.

Phiên này, giá dầu Brent giao sau tăng 1,97 USD (tương đương 1,7%) lên mức 115,09 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 1,95 USD (1,8%) lên 109,57 USD/thùng.

Trong một động thái mới nhất, G7 tuyên bố sẽ sát cánh với Ukraine "chừng nào còn có thể," đồng thời đề xuất giới hạn giá dầu của Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào tài chính của Nga.

[Giá vàng châu Á tăng nhẹ trước kế hoạch cấm nhập khẩu vàng Nga của G7]

Chuyên gia tư vấn độc lập về thị trường năng lượng Andrew Lipow cho rằng nếu G7 quyết tâm áp dụng giới hạn giá mua và bán dầu của Nga, rất khó để đảm bảo điều này sẽ được thực thi. Đặc biệt là khi Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga.

Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia lưu ý rằng không có gì có thể ngăn cản Nga cấm xuất khẩu dầu và sản phẩm tinh chế sang các nền kinh tế G7 để đối phó với mức trần giá.

Nếu điều này xảy ra, nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu và sản phẩm tinh chế toàn cầu.

Một quan chức phụ tá Tổng thống Pháp cho biết cộng đồng quốc tế nên nghiên cứu tất cả các lựa chọn để giảm bớt tình trạng nguồn cung năng lượng eo hẹp, bao gồm các cuộc đàm phán với các quốc gia sản xuất như Iran và Venezuela.

Người này lưu ý xuất khẩu dầu của cả Iran và Venezuela - hai thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - đều đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế và kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn tăng mạnh lãi suất đã gây ra nhiều biến động và lo ngại rủi ro trên thị trường năng lượng kỳ hạn. Hiện tại, những lo lắng về nguồn cung thiếu hụt đang lấn át những lo ngại về tăng trưởng.

Các nguồn tin cho biết OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm cả Nga (còn được gọi là OPEC+) có thể vẫn duy trì kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng Tám tại cuộc họp ngày 30/6.

Đáng lo ngại là thành viên OPEC, Libya, hôm 27/6 cho biết họ có thể phải tạm dừng xuất khẩu trong khu vực Vịnh Sirte trong vòng 72 giờ, khi tình hình bất ổn khiến sản lượng của nước này bị hạn chế.

Tương tự, Ecuador cũng cho biết họ có thể ngừng sản xuất dầu hoàn toàn trong vòng 48 giờ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 27/6

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 27/6, giữa bối cảnh lãi suất tăng cao tạo sức ép giảm cho kim loại quý này.

Một cửa hàng vàng ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, giới đầu tư đang theo dõi các động thái chính sách tại diễn đàn ngân hàng trung ương do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức tại Bồ đào Nha.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.823,89 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 0,3%, xuống 1.824,8 USD/ounce.

Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết: “Giá vàng giảm khi đà bán tháo trên thị trường trái phiếu trở lại, sau khi nhu cầu đối với trái phiếu từ một cuộc đấu giá mới của Bộ Tài chính Mỹ trở nên suy yếu.”

Theo ông Moya, trong ngắn hạn, triển vọng của vàng khá hỗn hợp vì có nhiều bất ổn trên thị trường trong mùa Hè này, với khả năng một bên là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất mạnh hơn và một bên là rủi ro suy thoái kinh tế.”

Đồng USD cũng giảm trong phiên này, song lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng khiến vàng kém hấp dẫn hơn.

Vàng được coi là hàng rào chống lại sự gia tăng đột biến của lạm phát và rủi ro kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.

Các nhà đầu tư đang theo dõi các dấu hiệu về động thái chính sách trong tương lai khi những nhà đứng đầu các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Chủ tịch Fed Jerome Powell, tham dự diễn đàn thường niên ở Sintra (Bồ Đào Nha).

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Anh, Mỹ, Nhật Bản và Canada về việc cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể chỉ có tác động cơ bản hạn chế.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết: “Nga không xuất khẩu nhiều vàng sang các quốc gia G7. Do vậy, tác động lên giá vàng cho đến nay là không đáng kể.”

Nga, nhà sản xuất vàng lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu.

Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 21,13 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng 0,1% lên 908,00 USD/ounce, trong khi palladium giảm 0,3% xuống 1.870,52 USD/ounce.

Tại Việt Nam, cuối ngày 27/6, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,90 - 68,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục