Sau khi kết thúc chuỗi ngày giao dịch ảm đạm vào tuần trước đó, thị trường năng lượng Mỹ vẫn không có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt vào tuần qua, khi diễn biến của năm phiên giao dịch không ngừng trồi sụt thất thường, chịu sự chi phối chủ yếu của hai nhân tố là các dự báo kém lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị leo thang tại khu vực Trung Đông.
Khởi đầu tuần (ngày 8/10), giá dầu tại thị trường Mỹ “lao dốc” sau khi Ngân hàng thế giới (WB) quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản và Ấn Độ) trong năm 2012 từ 8,3% xuống 7,2%, đồng thời nhấn mạnh rằng đây sẽ là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong khu vực này kể từ năm 2011, dưới cả mức đáy trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cam kết bảo vệ đồng euro và tái khởi động chương trình mua trái phiếu đã phần nào “xoa dịu” các thị trường, song WB cho rằng tình hình nợ tại Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) vẫn có thể xấu đi, trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc biểu tình lớn phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ tại Tây Ban Nha và Hy Lạp, hai quốc gia đang mang trên mình gánh nặng nợ công khổng lồ.
Ngoài ra, thị trường dầu mỏ của Mỹ còn chịu áp lực giảm khá lớn từ việc đồng USD tăng giá. Trong phiên 8/10, chỉ số USD, thước đo giá trị “đồng bạc xanh” so với rổ sáu loại tiền tệ khác, đã tăng lên mức 79,593 điểm.
Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch sau đó, giá dầu lại đồng loạt bật tăng trở lại tại New York lên mức cao nhất trong gần ba tuần qua, do những lo ngại về nguồn cung gia tăng xuất phát từ tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là vụ tranh chấp biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xu hướng đi lên của giá “vàng đen” ngày 9/10 nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và trái ngược với diễn biến buồn tẻ của thị trường chứng khoán toàn cầu, bởi cũng từ ngày này, Hội nghị thường niên giữa Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã chính thức diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản).
Tại đây, hai thể chế tài chính hàng đầu thế giới đã lần lượt đưa ra những nhận định tiêu cực về viễn cảnh kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới và cả nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013, khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong thời gian tới.
Diễn biến tăng giảm đan xen của giá dầu tiếp tục kéo dài tới hết tuần khi tâm lý của giới đầu tư liên tiếp bị giằng co bởi những thông tin trái chiều. Số liệu tốt hơn dự kiến của thị trường việc làm Mỹ trong tuần trước đó cùng những căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông đã góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường năng lượng Mỹ, song lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trước tình hình ảm đạm của kinh tế thế giới lại đè nặng lên giá dầu.
Theo báo cáo ngày 11/10 của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dầu dự trữ tại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này đã tăng thêm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 5/10, dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này đang có chiều hướng giảm nhẹ.
Tới phiên giao dịch cuối tuần (12/10) Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu của thế giới trong 5 năm tới khoảng 500 nghìn thùng/ngày, do những điều kiện kinh tế yếu kém đang gia tăng sức ép lên việc tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Động thái trên đã khiến hoạt động bán tháo diễn ra ồ ạt và làm “lu mờ” báo cáo mới đây từ Chính phủ Mỹ cho thấy niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 9/2012 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng năm tháng qua.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 11/2012 giảm 21 xu (0,2%), xuống 91,86 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ tới 1,06 USD, chốt ở mức 114,65 USD/thùng.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô kỳ hạn trên thị trường giao dịch quốc tế tăng hơn 2% so với tuần trước đó, chấm dứt ba tuần giảm giá liên tiếp, trong khi giá xăng lại giảm 2%./.
Minh Trang (TTXVN)