Giá dầu lao dốc đe dọa thị trường việc làm và đầu tư dầu mỏ

Tình trạng lao dốc không phanh của giá dầu đang khiến nhiều "ông lớn" trong ngành dầu mỏ toàn cầu phải cắt giảm nhân sự và hủy bỏ các dự án đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD.
Giá dầu lao dốc đe dọa thị trường việc làm và đầu tư dầu mỏ ảnh 1Bảng giá xăng tại Woodbridge, Virginia, Mỹ ngày 5/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng lao dốc không phanh của giá dầu đang khiến nhiều "ông lớn" trong ngành dầu mỏ toàn cầu phải cắt giảm nhân sự hàng loạt và hủy bỏ các dự án đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD.

Tập đoàn xăng dầu Anh BP thông báo cắt giảm 4.000 việc làm, trong đó có 600 việc làm tại các cơ sở của hãng ở Biển Bắc, bao gồm cả vùng Aberdeen - "trái tim" của ngành công nghiệp dầu khí Anh và kho cảng dầu khí hóa lỏng Sullom Voe ở Shetland.

Động thái trên khiến lượng nhân sự làm việc tại các bộ phận thăm dò và khai thác của PB giảm 17% xuống dưới con số 20.000 người và ảnh hưởng đến các hoạt động của tập đoàn tại Azerbaijan, Angola và Vịnh Mexico.

Tính đến cuối năm 2014, BP có 84.500 lao động trên toàn cầu.

Không chỉ BP mà các nhà sản xuất dầu khác ở Biển Bắc, từ các “ông lớn” như Royal Dutch Shell và Total tới những công ty nhỏ hơn như EnQuest và Ithaca Energy, đều thừa nhận đang phải đối phó với thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử của họ, khi Biển Bắc là một trong những địa điểm có chi phí khai thác dầu tốn kém nhất thế giới. Giá dầu sụt giảm mạnh khiến việc khai thác tại nhiều giếng dầu ở đây không thu được lợi nhuận.

Tại Nam Mỹ, tập đoàn dầu khí Brazil Petrobras đầu tuần này thông báo cắt giảm 25% giá trị các chương trình đầu tư 5 năm. Ngân sách dành cho hoạt động đầu tư của hãng trong giai đoạn 2015-2019 hiện được dự trù là 98,4 tỷ USD thay vì 130,3 tỷ USD trước đó.

Trong khi đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ ngày 12/1 cho biết giá dầu thấp có thể khiến sản lượng dầu thô của Mỹ hạ 7% trong năm nay, là mức giảm tính theo năm đầu tiên kể từ năm 2008. Mặc dù vậy, sản lượng dầu của Mỹ vẫn cao hơn 50% so với 5 năm trước đây. Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến giúp đẩy sản lượng dầu ở quốc gia Bắc Mỹ này lên trung bình gần 1 triệu thùng/năm trong giai đoạn 2011-2015.

Trong bối cảnh trên, Bộ trưởng Dầu mỏ Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) Suhail Mohamed Al Mazrouei dự báo rằng sáu tháng đầu năm nay sẽ rất khó khăn nhưng thị trường dầu mỏ sẽ dần hồi phục trở lại.

Ông cho rằng chiến lược duy trì sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm đánh bật những nhà cung cấp giá cao, như các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ, cuối cùng sẽ thành công nhưng cần ít nhất 12 đến 18 tháng nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục