Trong phiên giao dịch ngày 19/7 tại thị trường châu Á, giá dầu nối dài đà giảm do giới đầu tư lại hướng sự chú ý nhiều hơn vào tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu, trong khi mối quan ngại về ảnh hưởng của sự bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ đối với hoạt động trung chuyển dầu mỏ lại đang dần dịu xuống.
Chiều 19/7 tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 14 xu Mỹ, (0,31%), xuống 45,10 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 15 xu (0,32%), xuống 46,81 USD/thùng.
Sau khi phục hồi và chạm ngưỡng 50 USD/thùng vào đầu tháng Sáu vừa qua do bất ổn tại nước sản xuất dầu chủ chốt của châu Phi là Nigeria và vụ cháy rừng tại khu vực sản xuất dầu cát quan trọng của Canada, giá “vàng đen” đã quay trở lại quỹ đạo giảm.
Mặc dù cuối tuần trước, vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người lo ngại rằng hoạt động vận chuyển dầu khí của thế giới sẽ bị gián đoạn bởi nước này là nơi đặt đường ống dẫn chiến lược phục vụ việc xuất khẩu dầu mỏ từ Nga và Iraq tới Địa Trung Hải. Tuy nhiên, mối lo ngại này nhanh chóng được giải tỏa khi có thông tin cho hay hoạt động vận chuyển dầu khí qua Thổ Nhĩ Kỳ đã được nối lại sau khi một vài chuyến xe chở dầu lớn bị cấm đi qua eo biển Bosphorus, gần Istanbul, trong vòng vài giờ ngày 16/7.
Thay vào đó, giới đầu tư lại đang quan tâm trở lại về vấn đề nguồn cung, giữa bối cảnh dự trữ dầu trên thế giới vẫn ở mức cao và có nguy cơ sẽ còn gia tăng khi Iran đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo hãng cung cấp thông tin năng lượng S&P Global Platts, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 6/2016, áp sát mức “đỉnh” của tám năm là 32,73 triệu thùng/ngày./.