Giá dầu giảm trở lại trong phiên 22/3 tại châu Á, do lo ngại đợt phong tỏa tại châu Âu nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 có thể làm chậm đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu thô Brent giảm 34 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 64,19 USD/thùng vào lúc 13 giờ 8 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 21 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 61,21 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm hơn 6% trong tuần trước.
Nhà phân tích về thị trường Jeffrey Halley tại OANDA cho rằng việc Đức gia hạn lệnh phong tỏa và Pháp phong tỏa một phần tiếp tục gây sức ép lên lòng tin tiêu dùng tại châu Âu.
Theo đề xuất, Đức có thể kéo dài lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch sang tháng thứ năm, sau khi các ca nhiễm mới vượt mức mà các nhà chức trách cho là sẽ khiến các bệnh viện quá tải.
Theo số liệu khảo sát được công bố ngày 22/3, sự tin tưởng vào mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca bị ảnh hưởng lớn tại Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Italy khi có thông tin vaccine đã kích hoạt tiểu cầu trong máu trong cơ thể người được tiêm, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông và nhiều nước tạm dừng sử dụng loại vaccine này.
[Giá dầu châu Á giảm do tác động từ các lệnh phong tỏa mới ở châu Âu]
Người phụ trách chiến lược thị trường toàn cầu của Axi, Stephen Innes, cho rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ mất nhiều thời gian mới phục hồi hoàn toàn.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, còn gọi là OPEC+, đã cắt giảm sản lượng ở mức chưa từng có để cân bằng thị trường toàn cầu sau khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch.
Trong khi đó, các nhà khai thác dầu mỏ của Mỹ đang bắt đầu tranh thủ việc giá dầu tăng trước đó nhờ sự lạc quan về sự phục hồi nhu cầu.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co, số giàn khoan dầu khí, một dấu hiệu ban đầu về sản lượng trong tương lai, tăng 9 chiếc lên 411 chiếc trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng Tư.
Số giàn khoan tăng trong bảy tháng qua và tăng gần 70% so với mức thấp kỷ lục là 244 chiếc vào tháng 8/2020./.