Trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định đà suy giảm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu ở Trung Đông đang tác động xấu đến triển vọng tăng trưởng của toàn bộ khu vực.
Báo cáo của IMF cho biết kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ sa sút đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu nhiên liệu tại khu vực này. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Iran được dự báo giảm xuống 3,5% trong năm nay, so với mức tăng mạnh 12,5% của năm ngoái; kinh tế Iraq từng đạt tốc độ tăng trưởng khởi sắc 11% năm 2016 nhưng có thể sẽ rơi vào khu vực tăng trưởng âm, với mức giảm 0,4% trong năm nay; Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự báo sẽ không tăng trong năm nay, so với mức tăng khiêm tốn 1,7% của năm ngoái. Ba nước này sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu tại Trung Đông, trong đó Saudi Arabia là nước xuất khẩu "vàng đen" lớn nhất thế giới.
Báo cáo của IMF dự báo kinh tế Kuwait sẽ ghi nhận giảm mức giảm lớn nhất trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực, với mức giảm hơn 2% năm 2017, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Algeria sẽ chỉ đạt mức tăng khiêm tốn.
[Libya thiệt hại hơn 130 tỷ USD do các mỏ dầu thường xuyên đóng cửa]
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông-Bắc Phi (MENA), gồm Iran, Iraq, Algeria và sáu nước thành viên Hồi đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ đạt gần 2% vào cuối năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,6% trong năm ngoái.
Theo báo cáo của IMF, tăng trưởng của toàn khu vực MENA trong năm nay được dự báo sẽ giảm từ mức hơn 5% của năm 2016 xuống còn trên 2%, do đà tăng chậm lại của nền kinh tế Iran sau khi đạt mức tăng mạnh trong năm ngoái, cũng như việc cắt giảm sản lượng tại các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực.
Trái với các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực, tăng trưởng kinh tế của các nước nhập khẩu dầu mỏ, bao gồm Ai Cập, Maroc, Sudan và một số quốc gia khác, được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng 4,3% năm nay, so với 3,6% năm 2016.
Về triển vọng tăng trưởng năm 2018 của khu vực MENA, IMF đưa ra đánh giá khả quan hơn khi cho rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực này dự kiến đạt 3,2%, cao hơn so với mức dự báo 3% được đưa ra hồi tháng 7/2017, nhờ nhu cầu trong nước mạnh hơn tại các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và sản lượng gia tăng tại các nước xuất khẩu dầu mỏ./.