Giá dầu đi lên dù vẫn còn lo ngại về khả năng dư cung
Giá dầu tăng trong phiên chiều 12/12 tại châu Á, nhưng giới đầu tư vẫn thận trọng trước khi các quyết định lãi suất quan trọng và số liệu lạm phát được công bố. Tuy vậy, những lo ngại về nguồn cung dư thừa và tăng trưởng nhu cầu giảm tốc đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Vào lúc 13 giờ 44 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Hai tăng 47 xu Mỹ, hay 0,6%, lên 76,50 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Một tăng 50 xu Mỹ, hay 0,7%, lên 71,82 USD/thùng.
Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 12/12. Trong khi cuộc họp về chính sách tiền tệ của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc vào ngày 13/12.
Fed được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này. Nhưng biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này vẫn lo ngại rằng lạm phát có thể kéo dài, từ đó mở ra khả năng Fed có thể thắt chặt chính sách hơn nữa nếu cần.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi những diễn biến mới trong căng thẳng tại Trung Đông.
Ngoài ra, theo các nguồn thạo tin, các nước Liên minh châu Âu (EU) sắp đạt được đồng thuận về một gói các biện pháp trừng phạt với Nga, trong đó có thể cản trở nguồn cung dầu từ nước này.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dù vẫn tỏ ra nghi ngại về khả năng tổng nguồn cung dầu giảm xuống sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cam kết giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý 1/2024.
Đà tăng sản lượng tại các nước ngoài OPEC được dự đoán sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm tới.
Giá vàng tăng khi đồng USD giảm giá
Cũng trong phiên này, giá vàng tại châu Á tăng khi đồng USD giảm giá, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi số liệu CPI và cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương lớn.
Vào lúc 14 giờ 37 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.985,49 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,4% lên 2.000,70 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,2% trong phiên này so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Báo cáo việc làm khả quan tuần trước đã cũng cố những kỳ vọng rằng Fed có thể giảm lãi suất vào tháng Ba.
Thị trường đang dồn sự chú ý đến số liệu CPI sắp được công bố. Các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ không đổi trong tháng 11 và lạm phát lõi sẽ ổn định ở mức 4%.
Bên cạnh cuộc họp chính sách đang diễn ra của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh sẽ nhóm họp vào ngày 14/12.
Chứng khoán châu Á tiếp nối đà tăng trên Phố Wall
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 12/12 với đà dẫn dắt tích cực từ Phố Wall, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi số liệu CPI, yếu tố có thể tác động đến đường hướng lãi suất mà Fed đặt ra trong cuộc họp tháng này.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,1% lên 32.843,70 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong ghi thêm 1,3% lên 16.398 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,3% lên 2.998,81 điểm. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại Seoul và Sydney
Trước đó, trong phiên 11/12, tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 đóng phiên ở mức cao nhất trong 20 tháng qua. Các chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng chứng kiến đà tăng tích cực. Tính đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 20,4% trong năm nay, còn chỉ số Nasdaq tăng 37,9%.
Chi phối Phố Wall những ngày qua là các dự đoán rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50% sang đầu năm 2024 và có thể bắt đầu hạ lãi suất trong nửa đầu năm sau. Bên cạnh đó, Fed được dự đoán sẽ có thể đem lại kịch bản “hạ cánh mềm” tức lạm phát giảm khi lãi suất cao mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái./.
Thị trường châu Á chờ đợi Mỹ công bố các số liệu kinh tế quan trọng
Các nhà phân tích nhận định rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động và không có định hướng cho đến khi thị trường thấy rõ các yếu tố liên quan đến việc cắt giảm sản lượng tự nguyện.