Giá dầu diễn biến trái chiều trên thị trường châu Á

Giá dầu diễn biến trái chiều trên thị trường châu Á do các nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu tăng trưởng kinh tế lạc quan của Mỹ
Khai thác dầu tại mỏ Centenario do công ty "Grupo R" của PEMEX tiến hành trên Vịnh Mexico ngày 30/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu diễn biến trái chiều trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch sáng 23/12 do các nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu tăng trưởng kinh tế lạc quan của Mỹ, nuôi hy vọng phục hồi nhu cầu của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới này.

Tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 2/2014 giảm 5 xu Mỹ xuống mức 99,27 USD/thùng, trong khi dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 5 xu Mỹ lên 111,82 USD/thùng.

Desmond Chua, chuyên gia phân tích thị trường tại trung tâm CMC Markets ở Singapore, cho biết, giá dầu được hỗ trợ bởi dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng mạnh vào tuần trước.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 20/12 cho biết, trong quý III vừa qua, tốc độ tăng GDP của nền kinh tế nước này đạt 4,1% thay vì 3,6% như đã sơ bộ đánh giá trong bản báo cáo hồi đầu tháng này.

Đây là tốc độ tăng GDP mạnh nhất của nền kinh tế đầu tàu thế giới kể từ quý cuối cùng của năm 2011. Tốc độ tăng GDP này cao hơn cả mức dự báo vốn đã cao 3,6% của các chuyên gia. Tốc độ tăng GDP này cao hơn mức tăng 2,5% trong quý II và 1,8% trong quý I năm nay.

Các nhà phân tích tiếp tục theo dõi sát sao về những gián đoạn nguồn cung dầu mỏ ở châu Phi. Tuần qua, nhà sản xuất dầu Nam Sudan bị ảnh hưởng nguồn cung do sự leo thang xung đột chính trị trong nước.

Libya, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng tiếp tục bị giảm sản lượng do liên tiếp xảy ra những cuộc biểu tình có vũ trang.

Đánh giá về triển vọng của giá dầu, một số chuyên gia cho rằng thông tin kinh tế khả quan từ Mỹ, châu Âu và tình trạng cắt giảm nguồn cung tại Libya sẽ là những yếu tố tiếp tục hỗ trợ giá dầu.

Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 11/2013, nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 6 năm.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Libya giảm xuống 110.000 thùng/ngày, so với mức 1 triệu thùng/ngày hồi tháng 7./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục