Giá dầu đi xuống phiên 30/7 nhưng vẫn trên đà hướng đến tuần khởi sắc

Tại thị trường châu Á, giá dầu Brent giao tháng Chín giảm xuống còn 75,49 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ New York còn 73,02 USD/thùng.
Giá dầu đi xuống phiên 30/7 nhưng vẫn trên đà hướng đến tuần khởi sắc ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 30/7, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, song vẫn trên đà hướng đến một tuần khởi sắc, nhờ cầu tăng nhanh hơn cung.

Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng dự kiến giúp giảm bớt tác động từ tình trạng bùng phát trở lại các mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Cụ thể, vào lúc 13 giờ 40 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Chín giảm 56 xu Mỹ (0,7%) xuống 75,49 USD/thùng, sau khi tăng 1,75% trong phiên trước; còn giá dầu Brent giao tháng Mười giảm 64 xu Mỹ (0,9%) xuống 74,46 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 60 xu Mỹ (0,8%) xuống 73,02 USD/thùng, sau khi tăng 1,7% trong phiên trước.

Margaret Yang, chiến lược gia tại chuyên trang tài chính DailyFX có trụ sở tại Singapore, nhận định giá dầu giảm nhẹ trước tâm lý thận trọng trên các thị trường châu Á-Thái Bình Dương khi các nhà đầu tư cân nhắc mối lo ngại về dịch COVID-19 cũng như số liệu việc làm và GDP thấp hơn dự kiến của Mỹ.

[Giá dầu Brent trong phiên 29/7 vượt ngưỡng 76 USD/thùng]

Dù vậy, cả hai hợp đồng dầu chủ chốt đều đang hướng tới mức tăng hàng tuần hơn 1%, nhờ các dấu hiệu nguồn cung dầu thô thắt chặt và nhu cầu gia tăng tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Chuyên gia Yang nhận định trong tuần này, giá dầu còn nhận được lực đẩy từ sự suy yếu của đồng USD và báo cáo kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp Mỹ. Các nhà lọc dầu Mỹ như Valero Energy và PBF Energy đều báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý vượt dự báo trước đó của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia Yang lưu ý sự gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến thể Delta ở Mỹ có thể phủ bóng lên triển vọng nhu cầu. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng đà phục hồi nhanh chóng trong tiêu thụ xăng và sản xuất công nghiệp của Ấn Độ là một dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang có khả năng chống chọi tốt hơn với đại dịch.

Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar tại ngân hàng Commonwealth Bank của Australia đánh giá biến chủng Delta là một rủi ro, song sẽ khó tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong nửa cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục