Giá dầu thế giới dường như đi ngang trong tuần qua, dù ghi nhận đà tăng trong phiên cuối tuần.
Giá “vàng đen” được hỗ trợ bởi triển vọng xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm nhưng chịu áp lực bởi sự gia tăng dự trữ dầu thô tại Mỹ và lo ngại về hoạt động kinh tế toàn cầu.
Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên đầu tuần 20/2 nhờ sự lạc quan về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.
Phiên kế tiếp, giá dầu lại trả lại gần hết đà tăng của phiên trước, khi những lo ngại dai dẳng về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã lấn át nguy cơ hạn chế nguồn cung.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tuần trước đã nâng mức dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày, giữa lúc khối này rất kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc.
"Chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sẽ là sự trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, sau khi những hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 được bãi bỏ tại quốc gia Đông Bắc Á này" - OPEC nhận định trong báo cáo hằng tháng công bố mới đây.
Giới phân tích nhận định lượng dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2023 sẽ cao kỷ lục, do nhu cầu nhiên liệu vận tải gia tăng và các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động.
Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất trong hai tuần vào phiên 22/2, khi nhà đầu tư lo ngại rằng các số liệu kinh tế gần đây sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
[Giá dầu thế giới giảm 3% do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu]
Giá dầu quay đầu tăng trong hai phiên giao dịch cuối tuần (23-24/2), sau khi báo cáo về dự trữ xăng dầu của Mỹ được công bố. Việc Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của nước nước đến 25% trong tháng 3/2023 cũng hỗ trợ giá dầu.
Theo báo cáo ngày 23/2 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 7,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/2 - vượt dự báo của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,2% lên 83,16 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 1,2% lên 76,32 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu này đều giảm hơn 1 USD/thùng. Giá các hợp đồng dầu kỳ hạn gần như không thay đổi trong tuần này.
Khối lượng giao dịch thấp hơn đã góp phần gây ra sự biến động, với giao dịch dầu Brent ở mức 58% và giao dịch dầu WTI ở mức 90% so với mức của phiên trước đó.
Tính đến ngày 24/2, tròn một năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá dầu Brent đã mất 15% so với một năm trước đó.
Giá dầu này đã đặt mức cao nhất trong 14 năm là gần 128 USD/thùng vào ngày 8/3/2022.
Tuần qua, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm bảy giàn xuống 600 giàn, trong khi tổng số giàn khoan vẫn tăng 103 giàn (tương đương 15,8%) so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.
Các dấu hiệu cho thấy sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga đang bị dồn lại trên các tàu chở dầu trôi nổi trên biển cũng cho thấy sự gia tăng nguồn cung.
JP Morgan dự báo OPEC sẽ cắt giảm sản lượng để hạn chế đà sụt giảm giá dầu.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy hầu hết các quan chức vẫn tỏ quan điểm “diều hâu” về lạm phát, báo hiệu việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Giới chức Fed lưu ý rằng rủi ro lạm phát cao vẫn là một "yếu tố chính" định hình chính sách tiền tệ và đảm bảo việc ngân hàng trung ương này tiếp tục tăng lãi suất.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS mới đây cho biết mặc dù các số liệu kinh tế tốt hơn đồng nghĩa nhu cầu về dầu tốt hơn, nhưng thị trường cũng lo ngại điều này sẽ buộc Fed phải tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, điều này cũng đang hỗ trợ đồng USD - một diễn biến “không giúp ích gì cho dầu mỏ.”
Đồng USD đã tăng tuần thứ tư liên tiếp, chỉ số này hiện đã tăng 2,5% trong tháng Hai.
Đồng USD mạnh hơn làm các hàng hoá được neo giá theo “đồng bạc xanh” trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác./.