Giá dầu đạt mức cao nhất 4 tháng do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,25 USD lên 81,01 USD/thùng do dự đoán rằng các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ đối với dầu Nga sẽ buộc khách mua ở Ấn Độ và Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung khác.
Nhà máy lọc dầu ở Tây Siberia, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu phiên 13/1 tăng khoảng 2% và đạt mức cao nhất trong bốn tháng, chủ yếu do dự đoán rằng các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ đối với dầu Nga sẽ buộc khách mua ở Ấn Độ và Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung khác.

Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,25 USD (tương đương 1,6%) lên 81,01 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,25 USD (2,9%) lên 78,82 USD/thùng. Đà tăng trên đã đưa giá đóng cửa của dầu Brent và WTI lần lượt lên mức cao nhất kể từ ngày 26/8/2024 và 12/8/2024.

Diễn biến này xảy ra khi các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm các nguồn cung cấp nhiên liệu thay thế nhằm thích ứng với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với các nhà sản xuất và tàu chở dầu của Nga.

Lệnh cấm vận mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ ban hành ngày 10/1 siết hạn chế dầu thô chống Nga trên bốn lĩnh vực, gồm trừng phạt các công ty dầu mỏ lớn của Nga; hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển của Nga; siết cấm vận với các nhà giao dịch dầu mỏ Nga và cuối cùng là hoạt động liên quan đến cung cấp dịch vụ dầu khí và trừng phạt quan chức ngành dầu mỏ Nga.

Cụ thể, lệnh cấm của Mỹ bổ sung 183 tàu chở dầu, kho chứa nổi có liên quan đến hoạt động xuất khẩu năng lượng Nga vào danh sách đen, áp trừng phạt với tập đoàn dầu mỏ Gazprom Neft và Surgutneftegaz (tính cả các công ty con) cùng với hai hãng cung cấp dịch vụ bảo hiểm tàu biển nội địa của Nga là Ingosstrakh và Alfastrakhovani.

Gazprom Neft và Surgutneftegaz chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu dầu thô của Nga, với tổng sản lượng xuất khẩu là 970.000/ngày trong năm 2024.

Trừng phạt mới của Mỹ đẩy Ấn Độ và Trung Quốc vào tình thế khó xử. Đây là hai thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Ấn Độ bày tỏ ý định sẽ tuân thủ cấm vận của Mỹ và né tránh các tàu chở dầu nằm trong danh sách đen.

Năm 2024, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ dầu thô Nga lớn nhất. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga trong tháng 11/2024 giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2023, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. Đây có thể là hệ quả của việc Ấn Độ muốn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào duy nhất thị trường Nga.

Cùng với đó, 6 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Ủy ban châu Âu hạ mức trần giá do Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp lên dầu Nga. Lý do là điều này sẽ làm giảm doanh thu của Nga mà không gây ra cú sốc cho thị trường.

Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới giao dịch dầu PVM nhận định thị trường thực sự lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung. Kịch bản xấu nhất đối với dầu Nga đang có vẻ như sẽ trở thành hiện thực.

Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng những tàu bị các lệnh trừng phạt mới nhắm mục tiêu đã vận chuyển 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2024, tương đương 25% lượng xuất khẩu của Nga. Ngân hàng này ngày càng nhận định dự báo của họ về phạm vi giá dầu Brent từ 70-85 USD/thùng sẽ nghiêng về phía tăng.

Tuy nhiên, một yếu tố phần nào hạn chế đà tăng của giá dầu là đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, sau các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến của Mỹ hồi tuần trước.

Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, do các mặt hàng được định giá bằng USD như dầu sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục