Giá dầu phục hồi trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/5 sau khi biến động trái chiều trong phiên hôm trước (15/5) trên thị trường Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, sự phục hồi có phần bị kiềm chế bởi những số liệu kinh tế yếu kém từ Khu vực Eurozone cùng nguồn cung dồi dào tại Mỹ.
Vào chiều 16/5 tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 6/2014 tăng 39 cent lên 101,89 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2014 tăng 20 cent lên 109,29 USD/thùng.
Như vậy là với mức tăng trong phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã hầu như tăng trong suốt sáu phiên gần nhất và đang kết thúc một tuần có mức tăng mạnh nhất trong năm tuần trở lại đây, chủ yếu do được hậu thuẫn từ những căng thẳng tại Ukraine cùng các số liệu kinh tế sáng sủa tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong phiên trước (15/5) tại Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã giảm lần đầu tiên sau bốn phiên tăng liên tiếp do lượng dầu dự trữ tại Mỹ tăng trong tuần trước, lên gần mức cao kỷ lục, trong khi hợp đồng dầu Brent tăng do khủng hoảng tại Ukraine. Đây cũng là phiên giảm duy nhất của hợp đồng dầu này trong sáu phiên liên tiếp gần đây.
Đóng cửa phiên 15/5, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 6/2014 tại New York giảm 87 cent xuống chốt phiên ở mức 101,50 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 25 cent lên chốt phiên ở 110,44 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ bị sức ép từ số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu dự trữ tại Mỹ đã tăng thêm 900.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/5, lên 398,5 triệu thùng, xấp xỉ mức cao kỷ lục 399,4 triệu thùng vào hồi cuối tháng Tư vừa qua. Điều này cho thấy lượng cung dầu tại nền kinh tế "ngốn" nhiều dầu thô nhất thế giới khá dồi dào, trong khi nhu cầu không có sự tăng mạnh tương ứng.
Tác động đến thị trường dầu phiên này còn là những số liệu từ nền kinh tế Khu vực Eurozone. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, tăng trưởng kinh tế (GDP) của 18 nước thuộc Eurozone trong quý 1/2014 chỉ đạt mức 0,2%, bằng một nửa so với mức dự báo 0,4% của các chuyên gia, trong đó GDP của Italy - nền kinh tế lớn thứ ba trong khối, suy giảm 0,1%, và GDP của Bồ Đào Nha giảm tới 0,7%.
Một báo cáo riêng rẽ khác của Eurostat cũng cho biết lạm phát tại khu vực này đã tăng 0,7% trong tháng Tư, so với mức 0,5% của tháng Ba.
Tuy nhiên, con số mới nhất này vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 2,0% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.
Bức tranh kinh tế kém sáng tại châu Âu làm tăng dự đoán nhu cầu dầu sẽ giảm đi. Song điều này lại được bù đắp bởi những căng thẳng vẫn đang tiếp diễn tại Ukraine - trạm trung chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng từ Nga sang các nước phương Tây, qua đó góp phần đẩy giá dầu Brent lên cao./.