Giá dầu châu Á tăng song vẫn chịu sức ép từ tình trạng dư cung

Giá dầu châu Á đi lên nhờ đồng USD suy yếu, tuy nhiên mặt hàng này vẫn chịu sức ép từ sự gia tăng sản lượng dầu của Mỹ và những hoài nghi về nỗ lực giảm sản lượng dầu của OPEC.
Giá dầu châu Á tăng song vẫn chịu sức ép từ tình trạng dư cung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Trong phiên giao dịch ngày 28/3, giá dầu đi lên tại thị trường châu Á, nhờ đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn chịu sức ép từ sự gia tăng sản lượng dầu của Mỹ và những hoài nghi về nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của các nước do Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khởi xướng đối với việc tái cân bằng thị trường năng lượng.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao tháng 4/2017 tăng 18 xu Mỹ, lên 50,93 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ giao kỳ hạn cũng tiến 20 xu Mỹ, lên 47,93 USD/thùng.

Đồng USD yếu là nhân tố quan trọng hậu thuẫn đà tăng của giá dầu trong phiên này. Đồng bạc xanh đã mất 2,9% giá trị so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt so với mức “đỉnh” xác lập trong tháng Ba, giữa bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư nghi ngại về khả năng thực hiện các chính sách kinh tế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch ra. Điều này khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác, đồng thời thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, các điều kiện cơ bản của thị trường dầu vẫn còn mong manh khi Mỹ tiếp tục đẩy mạnh sản lượng khai thác, bất chấp những nỗ lực kiềm chế nguồn cung từ OPEC nhằm giúp giá “vàng đen” phục hồi.

Ngân hàng Barclays dự báo rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ leo lên mức cao nhất nhiều thập kỷ vào tháng 12 năm nay, thậm chí có thể tương đương với mức “đỉnh” đạt được trong năm 1970.

Kể từ giữa năm 2016, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 8,3%, lên 9,13 triệu thùng/ngày. Trong tháng 4/2015 sản lượng dầu của nước này đã từng “vọt” lên 9,7 triệu thùng/ngày - mức được coi là cao nhất kể từ tháng 5/1971./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục