Giá dầu châu Á tăng sau khi lao dốc chưa từng có kể từ năm 1991

Dù có tăng nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng rất khó có khả năng giá dầu sẽ phục hồi nhanh do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Giá dầu châu Á tăng sau khi lao dốc chưa từng có kể từ năm 1991 ảnh 1Tại một cửa hàng bán xăng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi chứng kiến đà sụt giá mạnh nhất của giá dầu thế giới trong gần 30 năm qua, thị trường năng lượng châu Á lại sôi động trở lại trong phiên mở cửa ngày 10/3, với mức tăng hơn 4%.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore lúc 00 giờ 34 phút GMT (tức 7 giờ 34 phút giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,41 USD (4,1%), lên 35,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,25 USD (4%), lên 32,38 USD/thùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, rất khó có khả năng giá dầu sẽ phục hồi nhanh do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 9/3, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, chứng kiến ngày sụt giá mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Nguyên nhân chính dẫn tới đà giảm mạnh của giá “vàng đen” trong phiên này là do hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga bắt đầu bước vào cuộc chiến giá dầu, đe dọa sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu dôi dư quá mức.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 10,15 USD (24,6%), xuống 31,13 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu WTI mất tới 33%, chạm mức 27,34 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 10,91 USD (24,1%), xuống 34,36 USD/thùng. Đầu phiên này, giá dầu Brent có thời điểm lùi 31%, xuống chỉ còn 31,02 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016. Phiên này, giá cả hai loại dầu đều chứng kiến mức giảm mạnh nhất theo ngày kể từ ngày 17/1/1991.

[Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, dừng giao dịch trong 15 phút]

Giá dầu lao dốc với mức giảm gần 25%, cùng với với sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 đã tạo ra đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán, với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” hơn 7%, trong khi chỉ số S&P 500 sụt 6,9%, qua đó càng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Saudi Arabia và Nga đều cho biết sẽ tăng sản lượng vào cuối tuần này, sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng kéo dài ba năm qua giữa họ và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác để hạn chế nguồn cung đã bị ngắt quãng do đàm phán thất bại trong cuộc họp ngày 6/3 vừa qua, khi Moskva từ chối hỗ trợ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong việc cắt giảm sản lượng dầu mạnh hơn để đối phó với nhu cầu giảm đáng kể do tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh tế và du lịch.

Saudi Arabia lên kế hoạch tăng sản lượng dầu thô lên trên 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020, từ mức 9,7 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây. Vương quốc dầu mỏ này đã thông báo giảm giá xuất khẩu dầu mỏ vào cuối tuần trước để khuyến khích người mua. Trong khi đó, Nga, một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cũng cho biết họ có thể nâng sản lượng và có thể đối phó với giá dầu thấp trong 6-10 năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 9/3 đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, hiện đang chứng kiến mức giảm 90.000 thùng/ngày trong năm nay, đảo ngược so với dự báo trước đó tăng 825.000 thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục