Giá dầu châu Á tăng nhẹ sau khi đàm phán Nga-Ukraine bế tắc

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho biết “khả năng giá dầu mỏ giảm là rất hạn chế,” giữa bối cảnh các cuộc đàm phán Nga-Ukraine rơi vào bế tắc.
Giá dầu châu Á tăng nhẹ sau khi đàm phán Nga-Ukraine bế tắc ảnh 1Một trạm xăng ở Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch chiều ngày 13/4 sau khi Nga cho hay các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine “đi vào ngõ cụt.”

Điều này làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung, trong khi dữ liệu kinh tế yếu ở Trung Quốc và Nhật Bản hạn chế đà tăng của giá nhiên liệu.

Phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 22 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 104,86 USD/thùng vào lúc 13 giờ 26 phút. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn cũng tăng thêm 8 xu Mỹ (0,1%) lên 100,68 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này đều tăng hơn 6% vào thứ Ba.

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết “khả năng giá dầu mỏ giảm là rất hạn chế,” giữa bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine rơi vào bế tắc và bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Nga diệt chủng.

[Ukraine tuyên bố không thay đổi lập trường đàm phán hòa bình với Nga]

Ông nhận định những yếu tố trên củng cố thêm rằng "xung đột tại Ukraine sẽ không sớm giảm leo thang.”

Giá dầu thô kỳ hạn cũng nhận được sự hỗ trợ từ việc sản lượng dầu mỏ và khí đốt ngưng tụ của Nga giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày vào ngày 11/4, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do các lệnh trừng phạt và hạn chế logistics làm cản trở hoạt động động giao dịch.

Trong khi đó, OPEC cảnh báo tổ chức này sẽ không thể thay thế nguồn dầu và các chất lỏng khác bị thiếu hụt từ Nga, lên tới 7 triệu thùng/ngày, trong trường hợp có các lệnh trừng phạt hoặc các hành động điều chỉnh sản lượng tự nguyện.

Các báo cáo trong tuần này về việc nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa để ngăn ngừa COVID-19 của Trung Quốc cũng góp phần củng cố giá dầu.

Tuy nhiên, số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc và Nhật Bản đã hạn chế đà tăng giá của dầu mỏ.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài đà giảm trong hai tháng, bởi việc siết chặt các biện pháp hạn chế COVID-19 ảnh hưởng đến nhu cầu của nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Báo cáo về lượng đơn đặt hàng máy móc cơ bản của Nhật Bản trong tháng Hai giảm xuống gần mức thấp nhất trong hai năm, qua đó kéo theo sự sụt giảm mạnh về nhu cầu từ các công ty công nghệ thông tin và dịch vụ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục