Giá dầu châu Á tăng mạnh, thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều

Giá dầu tăng vọt trong phiên đầu tiên của Năm mới do khả năng gián đoạn nguồn cung, còn chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều khi hầu hết các nhà giao dịch quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tăng vọt trong phiên đầu tiên của Năm mới do khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông sau những căng thẳng ở Biển Đỏ.

Hy vọng nhu cầu tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ và các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, cũng hỗ trợ cho giá dầu.

Giá dầu Brent tăng 1,28 USD (1,7%) lên 78,32 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,04 USD (1,5%) lên 72,69 USD/thùng.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters với các nhà kinh tế và nhà phân tích dự kiến rằng giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82,56 USD/thùng trong năm nay, tăng nhẹ so với mức trung bình 82,17 USD/thùng trong năm 2023 do tăng trưởng toàn cầu yếu sẽ làm hạn chế nhu cầu mặc dù căng thẳng địa chính trị có thể hỗ trợ giá dầu.

Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết giá dầu có thể bị ảnh hưởng do leo thang ở Biển Đỏ vào cuối tuần qua và nhu cầu cao điểm trong dịp Lễ hội mùa Xuân của Trung Quốc. Nhu cầu trong dịp nghỉ lễ của Trung Quốc cũng nâng kỳ vọng giá dầu phục hồi trong tháng này.

Giá vàng sẽ tăng mạnh trong năm 2024

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch chiều 2/1 bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024. Các nhà đầu tư cũng chờ đợi công bố một loạt dữ liệu kinh tế trong tuần này để đoán định được thời điểm cắt giảm lãi suất.

Giá vàng giao ngay tăng 13% trong năm 2023, mức tăng hàng năm đầu tiên kể từ năm 2020. Giá vàng tăng 0,6% lên 2.074,40 USD/ounce vào lúc 17 giờ 25 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên 2.084,00 USD/ounce.

Nhà phân tích Cấp cao Ricardo Evangelista tại ActivTrades cho biết thị trường đang bắt đầu Năm mới với niềm tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Dù sớm hay muộn thì đó là lý do khiến giá vàng tăng. Nếu lạm phát tiếp tục chậm lại và hoạt động kinh tế cũng chậm lại, thì kịch bản đó sẽ rất thuận lợi cho vàng và giá vàng sẽ tăng mạnh trong năm 2024 với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm hơn nữa và đồng USD cũng giảm.

Người dân chọn mua vàng trang sức tại cửa hàng ở Bhopal, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường đang chú ý theo dõi Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp cuối cùng của năm 2023 dự kiến diễn ra vào thứ Năm (4/1) và số liệu việc làm tháng 12/2023 sẽ công bố vào thứ Sáu (5/1).

Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters dự kiến giá vàng giao ngay có thể ở mức hỗ trợ 2.062 USD/ounce và có thể mở xuống 2.053 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào cuối phiên 2/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,00-75,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 2/1 khi hầu hết các nhà giao dịch quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ với kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến nhiều đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên này tại Trung Quốc chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,5% xuống 16.788,55 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4% xuống 2.962,28 điểm. Thị trường Tokyo vẫn đóng cửa nghỉ lễ. Thị trường Mumbai và Singapore cũng giảm điểm, nhưng các thị trường Sydney, Seoul, Manila, Bangkok và Jakarta đều đi lên.

Chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management cho biết niềm tin trên thị trường ngày càng gia tăng về việc Fed cắt giảm lãi suất vẫn tác động sâu vào tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 2/1 chỉ số VN-Index tăng 1,79 điểm (0,16%) lên 1.131,72 điểm; HNX-Index giảm 1,05 điểm (0,45%) xuống 229,99 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục