Giá dầu châu Á tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch chiều 18/1

Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 76 xu lên 86,68 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 85 xu lên 81,03 USD/thùng, sau khi hai mặt hàng này tăng lần lượt 1,7% và 0,4% trong phiên trước.
Cơ sở khai thác dầu ở thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 18/1, giá dầu tại thị trường châu Á tăng khoảng 1% trước tâm lý lạc quan rằng việc dỡ bỏ chính sách “Không COVID-19” của Trung Quốc sẽ thúc đẩy đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Vào lúc 14 giờ 21 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 76 xu (0,88%) lên 86,68 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 85 xu (1,06%) lên 81,03 USD/thùng, sau khi hai mặt hàng này tăng lần lượt 1,7% và 0,4% trong phiên trước.

Vào giữa phiên, giá dầu Brent đã tăng lên 87 USD/thùng; còn dầu WTI tăng lên 81,42 USD/thùng. Đây là các mức cao mới trong năm 2023.

Trong năm 2022, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, mức thấp thứ hai kể từ năm 1976 và không đạt mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%.

Tuy nhiên, số liệu này vẫn cao hơn dự báo của các nhà phân tích sau khi Trung Quốc bắt đầu rút lại chính sách kiểm soát dịch vào đầu tháng 12/2022. Các nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2023.

[Giá dầu thế giới tăng nhờ hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc]

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong một báo cáo hàng tháng rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay sau khi giảm lần đầu tiên sau nhiều năm trong năm 2022 do các biện pháp kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2023 ở mức 2,22 triệu thùng/ngày.

Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd, cho hay thị trường đang gia tăng hy vọng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc sẽ tăng lên sau sự thay đổi chính sách “Không COVID-19” gần đây. Theo chuyên gia này, triển vọng lạc quan của OPEC về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 1,8 triệu thùng cũng là nhân tố tích cực đối với thị trường “vàng đen.”

Về phía nguồn cung, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu từ các khu vực sản xuất dầu đá phiến hàng đầu tại Mỹ sẽ tăng khoảng 77.300 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 9,38 triệu thùng/ngày trong tháng Hai.

Trong khi đó, Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục