Giá dầu châu Á tăng khi thị trường bớt lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc

Phiên giao dịch chiều 12/4, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 3,03% lên 101,46 USD/thùng vào lúc 13h40, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng tăng thêm 3,18% lên 97,29 USD/thùng.
Kho dự trữ dầu quốc gia của Nhật Bản tại tỉnh Kagoshima. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi lên trong chiều 12/4, khi thị trường bớt lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc với việc Thượng Hải nới lỏng một số hạn chế liên quan đến dịch COVID-19.

Ngoài ra, việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo sẽ không thể tăng sản lượng đủ để bù đắp nguồn cung có thể bị mất của Nga cũng góp phần nâng đỡ giá dầu.

Phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 2,98 USD (tương đương 3,03%) lên 101,46 USD/thùng vào lúc 13h40. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 3 USD (3,18%) lên 97,29 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu này đều giảm khoảng 4% vào thứ Hai.

Thông tin chính giúp nâng đỡ thị trường trong phiên này là Thượng Hải cho biết, hơn 7.000 khu dân cư đã được phân loại là khu vực có nguy cơ thấp hơn sau khi báo cáo không có ca nhiễm mới trong 14 ngày. Nhiều quận kể từ đó đã thông báo những khu tổ hợp nào có thể mở cửa trở lại.

[OPEC khẳng định không bù đắp được nguồn cung dầu mỏ từ Nga]

Giới quan sát nhận định việc nới lỏng một phần các lệnh phong tỏa tại Thượng Hải đã làm tăng một số áp lực giảm giá vốn xuất phát từ lo ngại về nhu cầu dầu của Trung Quốc.

Trong khi đó, giới chức phương Tây cho hay Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các đề xuất về lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột giữa nước này và Ukraine. Tuy nhiên, hiện các thành viên EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về vấn đề cấm nhập dầu thô từ Nga.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết thị trường dầu mỏ vẫn dễ bị tổn thương trước khả năng ngành năng lượng Nga bị trừng phạt. Nếu kịch bản đó xảy ra, đó sẽ là một cú sốc lớn.

Một yếu tố khác cũng giúp đẩy giá dầu lên cao hơn là cảnh báo từ OPEC rằng lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày của Nga có thể mất đi do các lệnh trừng phạt hoặc hành động tự nguyện. Đồng thời, OPEC nhấn mạnh rằng không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu mất đi đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục