Giá dầu châu Á rời khỏi các mức cao của năm 2019

Giá dầu tại châu Á rời khỏi các mức cao của năm 2019, tuy nhiên tâm lý của thị trường vẫn chịu tác động do chương trình cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ
Giá dầu châu Á rời khỏi các mức cao của năm 2019 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 21/3, giá dầu tại thị trường châu Á rời khỏi các mức cao của năm 2019.

Tuy nhiên, tâm lý của thị trường vẫn chịu tác động do chương trình cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.

Vào lúc 14 giờ 12 phút giờ Việt Nam, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 11 xu (0,2%) xuống 60,12 USD/thùng, sau khi vào đầu phiên tăng lên 60,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 12/11/2018.

Trong khi đó, giá dầu Brent giữ ở mức 68,52 USD/thùng, sau khi vọt lên 68,69 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 13/11/2018.

Các nhà giao dịch nhận định giá dầu đã tăng gần 1/3 kể từ đầu năm 2019, nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.

[Giá dầu tại thị trường châu Á áp sát mức cao nhất kể từ đầu năm]

Thống kê cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm từ mức đỉnh 32,8 triệu thùng/ngày hồi giữa năm 2018 xuống 30,7 triệu thùng/ngày trong tháng Hai vừa qua.

Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng làm gián đoạn nguồn cung ứng “vàng đen.”

Lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đã giảm sút, sau khi Mỹ đặt mục tiêu giảm 20% lượng dầu xuất khẩu của nước này xuống dưới 1 triệu thùng/ngày từ tháng Năm, thông qua việc yêu cầu các nước nhập khẩu giảm lượng mua vào để tránh trừng phạt.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm gần 9,6 triệu thùng xuống 439,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng Một, nhờ hoạt động xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng mạnh.

Trong khi đó, tuần trước sản lượng dầu thô của Mỹ đã cán mốc 12,1 triệu thùng/ngày, đưa nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới khi vượt qua cả Nga và Saudi Arabia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục