Giá dầu châu Á phục hồi phần nào trong phiên sáng 26/11 sau khi đã lao dốc mạnh hồi phiên thứ Sáu tuần trước (23/11), song “vàng đen” vẫn chịu nhiều áp lực đi xuống.
Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc phiên này đứng ở mức 59,2 USD/thùng, tăng 40 xu Mỹ (0,7%) so với mức đóng cửa của phiên trước đó. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng nhẹ 16 xu Mỹ (0,3%) lên 50,58 USD/thùng.
Giá dầu Brent vẫn nằm dưới ngưỡng 60 USD/thùng giữa lúc các yếu tố trên thị trường năng lượng yếu đi còn thị trường tài chính vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo giới quan sát, diễn biến tăng giá trong phiên ngày thứ Hai (26/11) chưa đủ để bù đắp cho mức sụt giảm tới 8% trong hôm thứ Sáu tuần trước, ngày mà giới đầu tư gọi là “Thứ Sáu đen.”
[Giá dầu thô trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất một năm qua]
Dầu thô đang chịu áp lực xuống giá khá lớn khi nguồn cung tăng mạnh mà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu đang yếu đi. Qua đó, nhiều khả năng thị trường năng lượng thế giới sẽ đối mặt với tình trạng nguồn cung dư thừa mạnh trong năm 2019.
Ngoài những yếu tố cơ bản, thị trường năng lượng cũng đang chịu tác động từ diễn biến không mấy lạc quan trên các thị trường chứng khoán.
Trong một thông báo công bố ngày 25/11, ngân hàng Morgan Stanley nói rằng năm 2018 đánh dấu sự kết thúc của quá trình 10 năm tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường tài chính châu Á, do sự thắt chặt các điều kiện tài chính tại các quốc gia trong khu vực (đặc biệt là ở Trung Quốc). Morgan Stanley cũng dự báo tình hình này sẽ tiếp diễn vào năm 2019.
Một yếu tố khác cũng tác động mạnh lên thị trường dầu mỏ là những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Ngân hàng Mỹ J.P Moran cảnh báo những tranh chấp thương mại có thể tạo sức ép đi xuống lên giá dầu, do Mỹ nhiều khả năng sẽ áp thuế 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào quý 1/2019./.