Giá dầu nới rộng đà tăng trong phiên sáng 23/11 trên thị trường châu Á trong bối cảnh các nhà giao dịch lạc quan về nhu cầu dầu phục hồi nhờ thử nghiệm thành công vắcxin ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế khi một số nước tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Niềm tin của các nhà giao dịch cũng được củng cố bởi hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất khác, hay còn gọi là OPEC+, sẽ giữ sản lượng dầu thô trong tầm kiểm soát.
[Saudi Arabia đưa ra khuyến nghị về chính sách sản lượng dầu với OPEC+]
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 17 xu Mỹ (0,4%) lên 45,13 USD/thùng vào lúc 7 giờ 39 phút (theo giờ Việt Nam), còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4 xu Mỹ (0,1%) lên 42,46 USD/thùng. Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng khoảng 5% trong tuần trước.
Chiến lược gia thị trường toàn cầu thuộc Axi, Stephen Innes, nhận định những thông tin tích cực gần đây về vắcxin ngừa COVID-19 và đồn đoán OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng thêm khoảng 3-6 tháng trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng này đã thúc đẩy sự lạc quan trên thị trường năng lượng.
Các nhân viên y tế của Mỹ cùng các nước khác đã khuyến nghị đợt tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của nước này có thể bắt đầu trong một đến hai ngày sau khi cơ quan quản lý thông qua vào tháng tới.
Tiến sỹ Moncef Slaoui, cố vấn khoa học chính cho "Operation Warp Speed," cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể sẽ cấp phép phân phối vắcxin do Pfizer Inc và đối tác BioNTech của Đức sản xuất vào giữa tháng 12 tới.
Bên cạnh đó, OPEC+, dự kiến nhóm họp vào ngày 30/11 và 1/12, đang cân nhắc các lựa chọn để kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay ít nhất ba tháng từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ nhỏ hơn của Nga vẫn đang có kế hoạch bơm thêm dầu thô trong năm nay bất chấp thỏa thuận toàn cầu cắt giảm sản lượng trong bối cảnh các công ty này chậm trễ trong việc quản lý sản lượng của các mỏ mới khởi nghiệp./.