Giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp

Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,16 USD (1,3%) xuống 91,22 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 74 xu Mỹ (0,9%) xuống 83,77 USD/thùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giá dầu châu Á giảm trong phiên 21/10 và hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc tác động của việc tăng lãi suất đối với tiêu thụ năng lượng, “lấn át” hy vọng về nhu cầu cao hơn ở Trung Quốc và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Philadelphia Patrick Harker ngày 20/10 cho hay để chống lại lạm phát, Fed đang cố gắng làm chậm hoạt động trong nền kinh tế và sẽ tiếp tục tăng mục tiêu lãi suất ngắn hạn.

Khoảng 15 giờ 21 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,16 USD (1,3%) xuống 91,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 74 xu Mỹ (0,9%) xuống 83,77 USD/thùng.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết trong tuần này một số thành viên chủ chốt của Fed đã lần lượt nêu quan điểm rằng lãi suất có thể tăng cao hơn. Điều này đã lấn át sự lạc quan từ hy vọng Trung Quốc giảm các biện pháp kiểm dịch.

Nhiều người điều đang mong đợi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

[Giá dầu thế giới hầu như không biến động trong phiên 20/10]

Dầu Brent, gần chạm mức cao kỷ lục 147 USD/thùng hồi tháng Ba, dự kiến giảm 0,4% trong tuần này, trong khi dầu thô của Mỹ dự kiến giảm hơn 2%. Đây sẽ là tuần giảm thứ hai liên tiếp giá hai hợp đồng dầu năm mất giá.

Giá dầu phiên 20/10 đã tăng lên sau khi hãng tin Bloomberg đưa tin Trung Quốc đang xem xét cắt giảm thời gian cách ly đối với du khách từ 10 ngày xuống còn bảy ngày. Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức từ nước này.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã tuân thủ các quy định hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 trong năm nay, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh và kinh tế cũng như giảm nhu cầu về nhiên liệu.

Giá dầu đã nhận được sự hỗ trợ từ lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga, cũng như việc cắt giảm sản lượng đã được OPEC+ thông qua hồi đầu tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục