Giá dầu châu Á hạ nhiệt do lo ngại về nhu cầu giảm

Giá dầu đã quay đầu thoái lui trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần, do giới đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu sụt giảm.
Giá dầu đã quay đầu thoái lui trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/9, do giới đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu sụt giảm, bất chấp kế hoạch hỗ trợ các nền kinh tế ốm yếu ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Những lo ngại về nhu cầu toàn cầu sụt giảm này xuất phát từ một loạt số liệu về hoạt động công nghiệp yếu kém của các khu vực và nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu - những nhà tiêu thụ dầu mỏ và năng lượng hàng đầu thế giới, qua đó cho thấy tình hình kinh tế thế giới vẫn còn tiếp tục ảm đạm, nhu cầu về dầu khó mà tăng mạnh, từ đó kìm hãm đà tăng của mặt hàng chiến lược này.

Ngoài ra, giới đầu tư dầu mỏ còn thất vọng về số liệu tích cực của thị trường việc làm Mỹ công bố ngày 6/9, vì qua đó có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn kế hoạch đưa ra một gói các giải pháp kích thích kinh tế mới.

Giới đầu tư hiện đang tiếp tục hướng tâm điểm chú ý đến số liệu về thị trường việc làm ở khu vực phi nông nghiệp của Mỹ, được công bố vào cuối ngày 7/9, để có thêm những dấu hiệu chắc chắn hơn về nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.

Đóng cửa phiên cuối tuần trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 10 giảm 76 xu xuống 94,77 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng trượt 81 xu xuống 112,68 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 6/9, giá dầu trên các sàn giao dịch Mỹ và châu Âu đã tăng nhẹ, sau quyết định của ECB và thông tin về nguồn cung dầu tại Mỹ sụt giảm.

Đóng cửa phiên 6/9 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 10 tăng được 17 xu lên 95,53 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 40 xu lên 113,49 USD/thùng.

Trong phiên này, giá dầu chịu tác động chính từ hai yếu tố: Một là, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) ngày 6/9 cho biết nguồn cung dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 7,4 triệu thùng xuống còn 357,1 triệu thùng, gây sức ép lên giá dầu trong cùng phiên. Theo DoE, nguồn cung bị sụt giảm do ảnh hưởng của cơn bão Isaac, tràn qua vùng Vịnh Mexico trong tuần trước, khiến hơn 90% cơ sở sản xuất dầu thô tại đây phải ngừng hoạt động. Mặc dù hoạt động khai thác và sản xuất tại khu vực này đang dần trở lại bình thường, song đến ngày 6/9 vẫn còn 43% cơ sở vẫn bị đóng cửa. Hai là quyết định của ECB tại cuộc họp cuối ngày 6/9, theo đó, thể chế tài chính này chính thức công bố một chương trình mua lại trái phiếu "không giới hạn" của các quốc gia đang nợ nần chồng chất ở Eurozone, nhằm giúp làm dịu bớt cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực.

Quyết định của ECB đã đẩy giá đồng euro lên so với đồng USD, khiến giá hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô, trở nên hấp dẫn hơn, giúp giá dầu tăng lên./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục