Giá dầu châu Á giảm trong chiều 3/2 do nỗi lo về nhu cầu

Phiên 3/2, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 0,4% xuống 81,83 USD/thùng vào lúc 14h50, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,5% xuống 75,51 USD/thùng.
Giá dầu châu Á giảm trong chiều 3/2 do nỗi lo về nhu cầu ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở Zubair, tỉnh Basra, miền Tây Nam Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm vào chiều 3/2 với các loại dầu tiêu chuẩn hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh thị trường chờ đợi các dấu hiệu phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc để bù đắp cho sự sụt giảm sắp xảy ra ở các nền kinh tế lớn khác.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 34 xu Mỹ (tương đương 0,4%) xuống 81,83 USD/thùng vào lúc 14h50. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) mất 37 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 75,51 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đã giảm hơn 5% cho đến thời điểm này trong tuần. Theo giới quan sát, các tín hiệu trái chiều về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - đang kìm đà tăng của “vàng đen.”

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ chỉ ra lưu lượng giao thông tại 15 thành phố lớn nhất của Trung Quốc tăng vọt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cũng lưu ý rằng các thương nhân Trung Quốc "tương đối thưa thớt."

[Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đẩy giá dầu châu Á tiếp tục đà giảm]

Triển vọng phục hồi kinh tế ở Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19 đã thúc đẩy thị trường dầu mỏ từ đầu năm đến nay, cùng với việc đồng USD yếu hơn khiến hàng hóa trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Đồng USD đã giảm vì thị trường không còn mong đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ nữa. Nhưng dù được hỗ trợ bởi đồng bạc xanh yếu hơn, đà tăng của dầu mỏ đã bị hạn chế bởi triển vọng tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới và triển vọng suy thoái ở những nền kinh tế lớn gồm Anh, châu Âu, Nhật Bản và Canada.

Bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Phillip Nova, cho biết các đợt tăng lãi suất sắp tới vào năm 2023 có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và châu Âu, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế. Những yếu tố này rất có thể làm giảm nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến các lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2 đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Các nước thành viên EU sẽ tìm kiếm một thỏa thuận trong ngày 3/2 để áp đặt trần giá cho các sản phẩm dầu của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục