Giá dầu châu Á giảm phiên thứ ba liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ giảm

Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn giảm xuống còn 26,48 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức 26,20 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn bốn năm qua.
Giá dầu châu Á giảm phiên thứ ba liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ giảm ảnh 1Một cơ sở lọc dầu gần khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm phiên thứ ba liên tiếp trong ngày 18/3, nâng tổng mức giảm từ đầu tuần này lên 17%, giữa bối cảnh triển vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng trở nên u ám hơn khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động du lịch và xã hội trên toàn cầu đình trệ.

Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn giảm 47 xu Mỹ (1,7%), xuống 26,48 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức 26,20 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn bốn năm qua. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 43 xu Mỹ, hay 1,5%, xuống còn 28,30 USD/thùng.

Mặc dù báo cáo cùng ngày của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, dự trữ dầu, xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 13/3, qua đó góp phần hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, triển vọng ảm đạm của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn tạo sức ép giảm giá đối với mặt hàng này.

[Morgan Stanley lại hạ dự báo giá dầu do lo ngại tình trạng dư cung]

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent có thể giảm xuống 20 USD/thùng trong quý 2/2020, mức giá chưa từng ghi nhận kể từ đầu năm 2002. Ngân hàng này cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ giảm 8 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 3/2020, do lo ngại về dịch COVID-19, khiến mức giảm nhu cầu của cả năm nay sẽ vào khoảng 1,1 triệu thùng/ngày - mức giảm kỷ lục.

Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, các cường quốc lớn trên thế giới đã lên kế hoạch tăng cường hàng tỷ USD chi tiêu nhằm giảm bớt tác động kinh tế của dịch COVID-19, cũng như áp đặt các hạn chế về hoạt động xã hội chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai.

Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Thamer al-Ghadhban ngày 18/3 đã đề nghị tiến hành một cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để thảo luận về các biện pháp tức thời nhằm giúp cân bằng thị trường dầu mỏ, giữa lúc cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga vẫn tiếp diễn do các bên không đạt được đồng thuận về vấn đề cắt giảm sản lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục