Giá dầu châu Á giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ thấp

Làn sóng COVID-19 thứ hai, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi chậm và giá thấp, đặt ra câu hỏi về việc liệu thời điểm tăng sản lượng khai thác có sớm hay không.
Giá dầu châu Á giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ thấp ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 23/10, giá dầu châu Á ở mức gần 42 USD/thùng, song hướng tới tuần giảm đầu tiên trong ba tuần qua, giữa lúc số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao tại Mỹ và châu Âu, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh sản lượng dầu của Libya tăng.

Một số bang của Mỹ thông báo số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục, trong khi Pháp kéo dài lệnh giới nghiêm vốn tác động tới khoảng 2/3 dân số nước này giữa lúc làn sóng COVID-19 thứ hai đang lan rộng khắp châu Âu.

Vào lúc 15 giờ 10 phút ngày 23/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 6 xu Mỹ (hay 0,1%) lên 42,52 USD/thùng sau khi tăng 1,7% trong phiên giao dịch trước đó.

[Giá dầu tăng trước khả năng Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế]

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7 xu Mỹ (0,2%) xuống 40,57 USD/thùng. Cả dầu Brent và dầu WTI đều đang trên đà giảm trong tuần.

Chuyên gia Eugen Weinberg thuộc ngân hàng Commerzbank cho biết có rất ít yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu trong khi số ca lây nhiễm COVID-19 mới tăng cao. Ngoài ra, ông cho biết thêm giá dầu còn chịu áp lực từ nguồn cung.

Sản lượng khai thác dầu mỏ của Libya, vốn gần như đình trệ kể từ tháng 1 do tình hình bất ổn, đã đạt 500.000 thùng/ngày và sẽ tăng thêm vào cuối tháng 10.

Dầu mỏ nhận được một số hỗ trợ từ các bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/10 rằng Moskva không bỏ các thỏa thuận gia hạn việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC+ nếu điều kiện thị trường được đảm bảo.

OPEC+, một nhóm gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong đó có Nga, sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 1/2021 như một phần trong kế hoạch tăng nguồn cung dần lên khi nhu cầu phục hồi.

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ hai, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi chậm và giá thấp, đặt ra câu hỏi về việc liệu thời điểm tăng sản lượng khai thác có sớm hay không.

OPEC+ đã thực hiện đợt cắt giảm nguồn cung kỷ lục từ tháng 5/2020, nhằm giúp tăng giá “vàng đen” từ mức thấp lịch sử. Dầu Brent đã phục hồi tăng từ mức thấp nhất 21 năm qua khi giao dịch ở mức 16 USD/thùng trong tháng Tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục