Giá dầu châu Á giảm 1% do nỗi lo về nhu cầu năng lượng toàn cầu

Giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 64 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 58,67 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 54 cent (1%) xuống còn 53,34 USD/thùng.
Giá dầu châu Á giảm 1% do nỗi lo về nhu cầu năng lượng toàn cầu ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á đã giảm khoảng 1% trong phiên chiều 21/2, giữa lúc nỗi lo về nhu cầu nhiên liệu thế giới sẽ yếu đi gia tăng khi dịch viêm đường hô hấp (COVID-19) đang lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Ngoài ra, việc các nhà sản xuất dầu thô lớn dường như không vội cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường cũng gây sức ép lên giá dầu trong phiên này.

Giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 64 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 58,67 USD/thùng vào lúc 14 giờ 3 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 54 cent (1%) xuống còn 53,34 USD/thùng.

Daegu - thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc - đã trở thành điểm nóng mới nhất của dịch COVID-19, sau khi hàng chục người tại đây bị nhiễm bệnh trong một diễn biến được chính quyền thành phố mô tả là "sự kiện siêu lây lan" tại một nhà thờ.

[Người dân Hàn Quốc lo ngại Daegu sẽ trở thành Vũ Hán thứ hai]

Còn tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, số các ca nhiễm mới công bố vào ngày 21/2 tăng cao hơn ngày trước đó, dù Bắc Kinh đã nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Nhà phân tích thị trường dầu mỏ Greg Priddy của công ty tư vấn Stratfor cho biết hiện vẫn còn nhiều lý do để thị trường thận trọng vì tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu mỏ vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Chuyên gia này cho rằng nếu dịch chỉ có tác động khiêm tốn, điều đó có thể ảnh hưởng đến quyết định của Nga tại cuộc họp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối này (gọi là nhóm OPEC+) về việc họ có sẵn sàng ủng hộ việc cắt giảm sản lượng thêm hay không. Cuộc họp của OPEC và OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 5-6/3 tới.

Trong một lưu ý mới nhất gửi tới khách hàng, các nhà phân tích của công ty tư vấn ING Economics cho biết giá dầu vẫn có thể xuống mức thấp hơn nữa so với hiện tại khi nguồn cung dư thừa trong nửa đầu năm nay khá lớn.

Tạo thêm áp lực lên giá dầu là một đồng USD mạnh lên khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi “trú ẩn an toàn.” Đồng bạc xanh mạnh hơn thường khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn, vì loại hàng hóa này thường được định giá bằng đồng USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục