Giá dầu châu Á ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991

Margaret Yang, nhà phân tích của trung tâm CMC Markets, cho biết giá dầu thô giảm 30% là chưa từng có và đang dẫn đến những ảnh hưởng vô cùng lớn trên các thị trường tài chính.
Giá dầu châu Á ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991 ảnh 1Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á trong phiên chiều 9/3 đã giảm gần 1/3, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau khi Saudi Arabia giảm mạnh giá bán dầu do bất đồng với Nga về vấn đề cắt giảm sản lượng.

Tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 11,38 USD (25%) xuống 33,89 USD/thùng vào lúc 14 giờ 32 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 11,12 USD (27%) xuống 30,16 USD/thùng. Tại thị trường Singapore trong phiên chiều, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 30%, trong khi dầu Brent giảm 26%.

Margaret Yang, nhà phân tích của trung tâm CMC Markets, cho biết giá dầu thô giảm 30% là chưa từng có và đang dẫn đến những ảnh hưởng vô cùng lớn trên các thị trường tài chính.

[Giá dầu châu Á giảm khoảng 20% khi bước vào tuần giao dịch mới]

Hãng tin Bloomberg News ngày 8/3 đưa tin, Saudi Arabia đã thực hiện lần giảm giá bán mạnh nhất trong 20 năm qua. Saudi Arabia giảm giá bán dầu giao tháng 4/2020 xuất khẩu sang thị trường châu Á khoảng 4-6 USD/thùng và giảm 7 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Trong khi đó, giá dầu Arabia Light của tập đoàn dầu mỏ Aramco (Saudi Arabia) bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent.

Động thái hạ giá bán dầu của Saudi Arabia diễn ra sau khi các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và nước đồng minh là Nga, còn gọi là OPEC+, không đạt được sự đồng thuận về đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày nhằm ứng phó các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Nga không ủng hộ đề xuất này.

Ngân hàng OCBC của Singapore cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nguy cơ giảm phát nếu giá dầu chỉ quanh ngưỡng 30 USD/thùng trong thời gian kéo dài vì giá dầu giữ vai trò chính trong thúc đẩy lạm phát.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý II và III/2020 xuống còn 30 USD/thùng, trong bối cảnh OPEC+ không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp vừa qua ở Vienna (Áo) và nhu cầu dầu sụt giảm mạnh do lo ngại sự lây lan của dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục